Những lợi ích thiết thực
Đồng
Nai là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, hệ thống giao thông tại Đồng Nai đang
phải chịu nhiều áp lực do tốc độ phát triển kinh tế cũng như vấn đề đô thị hóa
nhanh kéo theo nhu cầu vận tải, quá trình cơ giới hóa gia tăng. Do vậy các nguy
cơ về kẹt xe, tai nạn giao thông, đường sá xuống cấp là khó tránh khỏi. Hệ
thống giao thông thông minh trong đô thị thông minh là xu thế tất yếu góp phần giải
quyết những khó khăn này trong xã hội hiện đại.
Hệ thống
giao thông thông minh có sự tham gia của các thành phần: Con người, phương tiện
tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông, các ứng dụng tiên tiến về công
nghệ thông tin và viễn thông nhằm giảm thiểu vai trò của con người trong điều
hành hoạt động giao thông. Những thành phần này được liên kết
chặt chẽ với nhau để đạt được các mục tiêu: Quản lí khai thác hạ tầng giao
thông một cách hiệu quả; Bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn
hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn; Nâng cao năng lực quản lí và thân thiện với
môi trường.
Hệ thống giao thông thông minh - trụ
cột quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh
Tại
Đồng Nai, việc xây dựng hệ thống thống giao thông thông minh được thực hiện
thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao
thông; tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới camera giám sát, hệ thống đèn tín
hiệu; đồng thời phối hợp lực lượng công an tiếp tục áp dụng công nghệ để xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ứng dụng trí tuệ
nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông đô
thị…
Từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh
Tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai,
thành lập trung tâm điều hành giao thông thông minh với hệ thống camera giám
sát giao thông, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, từng bước góp phần vào
xây dựng thành phố thông minh.
Sở Giao thông - vận tải đang xây
dựng Trung tâm điều hành giao thông để kết nối tất cả các dữ liệu, thông tin
nhằm theo dõi, điều khiển từ xa thông qua hệ thống camera giám sát giao thông.
Từ đây, các ngành chức năng sẽ chủ động hơn trong việc bao quát tình hình
trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; tiến tới xây dựng hệ thống giao
thông thông minh hoàn thiện và đồng bộ.
Phòng Kế hoạch - tổng hợp Khu Quản
lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai (thuộc Sở Giao thông - vận tải) hiện đang sử
dụng phần mềm ứng dụng để giám sát, xử lý các sự cố, bất cập về hạ tầng giao
thông. Theo đó, nhân viên giám sát giao thông khi làm nhiệm vụ trên đường chỉ
cần bật ứng dụng lên thì mọi thông tin về thời gian, quãng đường di chuyển sẽ
truyền về cho bộ phận quản lý. Nếu phát hiện tuyến đường đang hư hỏng, xuống
cấp cần bảo trì, tu sửa, nhân viên sẽ chụp hình cập nhật lên hệ thống, sau đó,
đơn vị sẽ cử lực lượng xuống giải quyết, khắc phục.
Trung tâm Quản lý điều hành giao
thông trên tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2017. Toàn bộ tuyến đường được lắp một
hệ thống gồm 16 camera giám sát và 54 camera thăm dò phương tiện để giúp nhân
viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến và nhanh
chóng phát hiện các sự cố giao thông xảy ra một cách chính xác. Tất cả dữ liệu
hình ảnh, video được truyền về Trung tâm quản lý điều hành giao thông và được nhân
viên trực theo dõi, xử lý 24/24 giờ. Ngoài ra, hệ thống bảng thông tin điện tử
được bố trí dọc đường cao tốc còn cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện của
tuyến đường, tình hình thời tiết và tình trạng lưu thông trên đường cao tốc,
giúp tài xế chủ động điều chỉnh tốc độ khi lưu thông. Từ hệ thống camera giám
sát giao thông, dữ liệu hình ảnh được truyền về Trung tâm quản lý điều hành
giao thông, qua đó đã phát hiện được nhiều vụ vi phạm cũng như kịp thời xử lý
các sự cố gây mất an toàn giao thông, cũng từ dữ liệu của hệ thống, đơn vị đã
kịp thời thực hiện công tác phân luồng, chủ động mở các làn thu phí khi lượng
phương tiện đổ về cao.
Thời
gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng đã xây dựng, hoàn thiện
hệ thống camera giám sát hiện đại trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Đồng Nai. Việc
sử dụng phần mềm tự động, mã hóa các lỗi vi phạm của các phương tiện tham gia
giao thông như: chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách, lấn tuyến… giúp cho
công tác tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thuận lợi hơn. Mỗi năm, thông qua hệ thống camera giám sát
giao thông cố định lắp trên các tuyến đường, cảnh sát giao thông đã phát hiện,
xử lý khoảng 3 ngàn trường hợp vi phạm. Vào các dịp lễ, Tết, với lưu lượng
phương tiện tham gia giao thông tăng và khi xảy ra ùn tắc, từ dữ liệu hệ thống
camera, đơn vị lập tức đưa ra các phương án để giải quyết, điều khiển giao
thông, từ đó tránh được rất nhiều vụ ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng.
Đối với hệ thống trạm thu phí tự động, khi
phương tiện dán thẻ thu phí tự động qua trạm, hệ thống thiết bị sử dụng sóng
radio để nhận diện tự động các phương tiện xe cơ giới. Từ đó, xe đi qua không
phải dừng lại, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, giảm ùn
tắc giao thông và đặc biệt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với thực tế hiện nay, Sở đang triển khai hệ
thống theo dõi, vận hành vận tải hành khách công cộng đối với mạng lưới xe buýt
trên địa bàn TP.Biên Hòa. Các bến xe buýt thông minh, ứng dụng trên điện thoại
cung cấp cho người sử dụng thời gian biểu, lịch trình, chất lượng xe buýt một
cách chính xác.
Sở Giao thông vận tải tỉnh cũng đã hoàn thành việc lắp đặt
hệ thống camera kiểm soát tải trọng tại 24/24 mỏ đá với 39/39 trạm cân giúp
giám sát tình trạng phương tiện vi phạm tải trọng, ô nhiễm môi trường cũng như
các ứng dụng thông báo thời gian hết hạn sử dụng giấy phép lái xe giúp ngành
chức năng quản lý, giám sát và người dân từng bước tiếp cận với hệ thống giao
thông thông minh.
Thu Hương