CĐS trên lĩnh vực y tế (hay y tế số) là sự phát triển tiếp
theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá. Y tế điện tử thì sử dụng công nghệ
thông tin (CNTT) và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ
y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ. Y tế số thì
dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô
hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế.
Y tế số
hình thành và phát triển dựa trên 3 nền tảng gồm: hồ sơ sức khỏe cá nhân, mạng
kết nối y tế Việt Nam và quản lý thông tin y tế cơ sở. Cùng với cả nước, trong những
năm qua, ngành Y tế Đồng Nai đã và đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt
động khám, chữa bệnh và quản lý thông tin sức khỏe, qua đó ghi nhận nhiều kết
quả quan trọng.
Thực hiện mục
tiêu mỗi người dân sẽ có 1 hồ sơ sức khỏe cá nhân từ lúc sinh ra cho đến lúc
mất đi, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử. Thực
hiện kế hoạch của Bộ Y tế, sau hơn 1
năm triển khai thực hiện, dựa trên dữ liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH), toàn
tỉnh đã khởi tạo được hơn 3 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, tương đương khoảng
90% dân số, trong đó khoảng 85% đối tượng đã tham gia BHYT.
Tham qua khu điều hành tập trung Bệnh án điện tử tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh
Nhiều
bệnh viện trong tỉnh đã ứng dụng CNTT để rút ngắn thời gian chờ đợi khám, chữa
bệnh, lấy thuốc, thanh toán viện phí cho bệnh nhân. Phải kể đến như Bệnh viện
Đa khoa Đồng Nai triển khai hệ thống thẻ khám bệnh thông minh 2 trong 1, vừa để
lấy số thứ tự khám bệnh, vừa để thanh toán viện phí, giúp người dân không phải
giao dịch bằng tiền mặt tại bệnh viện, hạn chế nhiều rủi ro. 100% các bệnh viện
đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện và một số bệnh viện đã triển
khai hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh thay cho in phim. 100% cơ sở khám,
chữa bệnh trong tỉnh đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt
Nam; một số bệnh viện triển khai phần mềm khai báo y tế điện tử cho bệnh nhân,
người dân khi vào bệnh viện, hoạt động này tạo thuận lợi cho người dân trong
thời gian dịch bệnh covid -19 tại nhiều địa phương đang diễn biến phức tạp.
Với
mục đích giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ
sở, qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, rút ngắn khoảng
cách giữa bác sĩ, bệnh viện tuyến trên và bác sĩ, bệnh viện tuyến dưới ứng từng
bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế, trong năm
2020, Bộ Y tế đã triển khai thành công Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Ngành y tế
Đồng Nai đã triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết,
toàn tỉnh hiện đã có hơn 20 cơ sở y tế đã kết nối với các bệnh viện tuyến trên
để thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Thông qua việc kết nối mạng trên
thiết bị thông minh mạng, các bác sĩ ở tuyến dưới đã hội chẩn với bác sĩ ở
tuyến trên trong những trường hợp bệnh nặng, cấp bách đã không còn xa lạ đối
với bác sĩ Đồng Nai. Qua đó, nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu chữa tốt hơn.
Đặc biệt, trong việc ứng dụng triển khai bệnh án điện tử,
Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã trở thành bệnh viện đầu tiên trong tỉnh
và là bệnh viện thứ 4 trong cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử. Bệnh viện Đa khoa khu vực
Long Khánh là một trong 12 bệnh viện trong cả nước, là bệnh viện duy nhất trong
tỉnh được nhận giải thưởng vinh danh cơ sở đã chuyển đổi số y tế thành công,
ứng dụng bệnh án điện tử tại hội nghị Chuyển đổi số Y tế quốc gia năm 2020. Trong năm 2020, Bệnh án điện tử tiếp tục được triển
khai tại 3 bệnh viện là: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống
Nhất và Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Những bệnh viện còn lại trong tỉnh sẽ được
tiếp tục triển khai vào các năm 2021-2022.
Sau
gần 1 năm triển khai thành công bệnh án điện tử, các bác sĩ của Bệnh viện Đa
khoa khu vực Long Khánh nhận thấy có nhiều lợi ích: giảm được áp lực công việc
hành chính, nhất là điều dưỡng. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính
(ghi chép bệnh án giấy) của điều dưỡng được rút ngắn, giúp họ có nhiều thời
gian hơn để chăm sóc bệnh nhân, đem đến sự hài lòng cho người bệnh. Ngoài ra,
thực hiện bệnh án điện tử với chữ viết rõ ràng giúp giảm thiểu tối đa việc thực
hiện sai y lệnh do chữ viết của bác sĩ. Kho lưu trữ bệnh án giấy trước đây của
bệnh viện được giải phóng để mở thêm Khoa Tim mạch - lão học với hơn 70 giường
bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng
tới quốc gia số, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt
chẽ cùng Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng
và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công
nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB. Bên cạnh đó, phát
triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ
xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế,
phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,
tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Thu
Hương