Một lát mẫu
thiên thạch từ tiểu hành tinh 2008 TC3 vốn được phát hiện có chứa kim
cương mà chỉ có thể hình thành bên trong một thực thể hành tinh lớn (Ảnh:
EPFL/Hillary Sanctuary)
Vào tháng 10/2008, các nhà thiên văn đã phát hiện
một tiểu hành tinh rộng 4 m đang trên đường va chạm với trái đất. Chưa đầy một
ngày sau đó, hòn đá không gian 2008 TC3 nổ tung trên sa mạc Nubi ở Sudan ở độ
cao 37 km, dội một cơn mưa thiên thạch xuống vùng cảnh quan này. Trong số
đó, khoảng 50 mảnh vỡ kích từ 1 đến 10 cm đã được thu thập thành một bộ sưu
tập được đặt tên Almahata Sitta để phục vụ nghiên cứu khoa học.
Hầu hết các thiên thạch này được gọi là ureilite,
có nghĩa là chúng có các thành phần đá và thường chứa kim cương kích cỡ nano.
Những viên kim cương nhỏ xíu đó có thể được hình thành theo nhiều cách và
hiểu được cách chúng hình thành sẽ giúp làm sáng tỏ lịch sử của chúng và
rộng hơn là lịch sử của hệ mặt trời.
Một trong những câu chuyện nguồn gốc như thế có
thể là áp lực từ sóng xung kích khi thiên thạch va chạm với trái đất. Điều này
đã được nêu ra để giải thích cho một loại kim cương cực kỳ cứng gọi là
lonsdaleite vốn có cấu trúc nguyên tử lục giác làm cho nó cứng hơn 58% so
với kim cương trên trái đất. Các khả năng khác bao gồm sự lắng đọng hơi hóa học
hoặc một dạng áp lực tĩnh quen thuộc hơn đã tạo ra các viên kim cương ở sâu
bên dưới bề mặt của một hành tinh.
Để tìm hiểu xem kim cương Almahata Sitta hình
thành như thế nào, nhóm nghiên cứu từ EPFL cùng với các đồng nghiệp ở Pháp
và Đức đã phân tích các mẫu thiên thạch. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính hiển
vi điện tử truyền để xác định thành phần và hình thái học của chúng và phát hiện
ra rằng các viên kim cương chứa thể vùi (tạp chất) được tạo thành từ crom,
photphat và sắt-nicken sunfua.
Thể vùi rất phổ biến trong kim cương được hình
thành dưới lòng đất chúng ta nhưng đây là lần đầu tiên chúng được tìm thấy
trong đá ngoài hành tinh. Bản thân điều đó thật đã đủ thú vị nhưng nó còn
hàm ý rộng hơn nhiều: Nhóm nghiên cứu đã tính toán rằng những viên kim cương
này chỉ có thể hình thành dưới áp suất trên 20 gigapascal. Điều đó có nghĩa là
chúng phải được sinh ra bên trong một hành tinh ít nhất là lớn bằng sao Thủy
và có thể lên đến kích cỡ bằng sao Hỏa.
Nhưng vẫn còn nhiều điều nữa trong câu chuyện
đó. Thực tế rằng những viên kim cương này đã đi đến trái đất ám chỉ rằng
hành tinh cư ngụ của chúng bất kể là gì thì đã không còn tồn tại nữa vì
có lẽ phải cần một biến cố địa chất lớn để kéo chúng ra khỏi nơi chào
đời dưới lòng đất sâu và bắn chúng vào không gian. Thay vào đó, nhóm nghiên
cứu tin rằng kim cương này đến từ hành tinh phôi thai.
Trong những năm đầu hình thành, hệ mặt trời là
một nơi hỗn loạn hơn rất nhiều so với ngày nay. Sau khi mặt trời hình thành,
một đám mây bụi khổng lồ quay xung quanh nó từ từ co cụm lại thành các hành
tinh phôi thai. Sau đó chúng va chạm vào nhau một cách khá thường xuyên, tạo
ra các hành tinh ngày càng lớn hơn cho đến khi chúng ta còn lại các hành
tinh mà chúng ta thấy ngày nay. Các mặt trăng cũng hình thành theo cách đó
và những vụ va chạm đặc biệt lớn có khả năng đã tạo ra mặt trăng của
chúng ta và 2 vệ tinh quay quanh sao Hỏa.
Các nhà nghiên cứu cho biết kim cương thiên thạch
Almahata Sitta cung cấp bằng chứng hấp dẫn cho giả thuyết hành tinh phôi thai.
Bất kể hành tinh bị mất nào mà những viên kim cương này gọi là nhà đều có
khả năng bị xé tan thành từng mảnh cách đây vài tỉ năm rồi.
LH (New Atlas)