Một chuỗi
peptit chiết xuất từ nọc rắn đuôi chuông cho thấy là một ứng viên đầy hứa
hẹn để tạo ra loại thuốc kháng sinh mới để chống lại siêu vi khuẩn (Ảnh:
Jentara/Depositphotos)
Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh hay còn gọi
là "siêu vi khuẩn" là một trong những vấn đề bức bối nhất mà nhân loại đang
phải đối mặt hiện nay. Kê đơn quá mức và lạm dụng thuốc trong ít thập kỷ qua
đã dẫn tới các loài vi khuẩn phát triển sức đề kháng với thuốc. Một báo cáo
gần đây cảnh báo rằng nếu không có hành động nào được thực thi, vào năm
2050, chúng ta có thể bị “đưa về thời kỳ đen tối của y học” mà ở đó
các loại thuốc của chúng ta đơn giản là không còn hiệu lực và thậm chí một
thủ thuật thông thường nhất cũng một lần nữa trở nên đe dọa mạng sống.
Để tiếp tục chạy đua vũ trang, các nhà khoa học
đang phát triển một loạt các loại vật liệu và thuốc mới để chống lại siêu vi
khuẩn. Nghiên cứu mới với sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Đại học
Queensland của Úc và Đại học Pompeu Fabra của Tây Ban Nha đã thử nghiệm một
ứng viên kháng sinh mới có trong tuyến nọc độc của rắn đuôi chuông.
Nghiên cứu trước đây cho thấy chuỗi peptit
crotalicidin có thuộc tính kháng khuẩn và chỉ cần sử dụng một đoạn cũng có thể
tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả nhưng ít độc hơn đối với tế bào khỏe mạnh. Trong
nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu sử dụng đoạn peptit này để tấn công
các loại vi khuẩn như E. coli và Pseudomonas aeruginosa.
Như dự đoán, phương pháp này tiêu diệt khoảng
90% khuẩn E. coli trong vòng 90 đến 120 phút và tiêu diệt tỉ lệ P.
aeruginosa tương tự từ 5 đến 30 phút. Hiệu quả của peptit – và sự an toàn của
nó đối với tế bào khỏe mạnh – bắt nguồn từ lực hút tĩnh điện của nó đối với bề
mặt của vi khuẩn.
“Chuỗi peptit có điện tích dương trong khi vi
khuẩn có điện tích âm, cho phép nó giết chết vi khuẩn bằng cách chèn vào và
phá vỡ màng tế bào. Vì các tế bào trong cơ thể bị nhiễm trùng trung hòa điện
nên chúng không bị ảnh hưởng”, đồng tác giả của nghiên cứu Sónia Troeira
Henriques cho biết.
Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu peptit này với hy
vọng cuối cùng là sử dụng nó làm nền tảng cho một loại thuốc kháng sinh mới
cũng như săn tìm những chuỗi peptit khác có thể có chức năng tương tự.
“Đây là một điển hình của việc lấy một thứ
tự nhiên ban tặng cho chúng ta và cố gắng hiểu cách hoạt động của nó, nhờ
đó chúng ta có thể sửa đổi để nó trở nên mạnh hơn, ổn định hơn hoặc giống
thuốc hơn để sử dụng thay thế cho thứ chúng ta đang có trong hiệu thuốc hiện
nay”, Henriques cho biết thêm.
LH (New Atlas)