Các nhà nghiên cứu vừa nhìn vào
quá khứ để xác định liệu từ trường trái đất yếu đi có phải là dấu
hiệu của sự đảo cực sắp diễn ra không (Ảnh: Peter Reid, Đại học
Edinburgh)
Nguyên nhân gây lo ngại bắt đầu với cái gọi là dị sự thường Nam Đại Tây Dương
(SAA). Trong khu vực trải dài qua Đại Tây Dương từ Chile đến Zimbabwe này, từ
trường yếu hơn đáng kể so với các vùng khác trên thế giới. Kể từ khi khu vực
này được phát hiện vào năm 1958, nó vẫn đang lớn dần như một phần của sự suy
yếu tổng thể của toàn bộ từ trường trong ít thế kỷ qua.
Kết
quả cuối cùng của xu hướng đó dường như là sự đảo cực từ trường. Trong lịch
sử, khoảng 200.000 đến 300.000 năm một lần, cực từ bắc và nam đảo vị trí
cho nhau và chúng ta thực sự đã quá hạn cho một sự kiện như vậy - lần cuối cùng
đảo chiều cách đây khoảng 780.000 năm. Mặc dù những người dự đoán ngày
tận thế thích loan tin về cách sự đảo cực sẽ gây mưa bức xạ kinh hoàng xuống
trái đất như thế nào nhưng NASA nói rằng điều bận tâm lớn nhất của chúng ta
chỉ là phải mua la bàn mới.
Nhưng
dù sao đi nữa, kịch bản đó có khả năng xảy ra như thế nào? Để tìm hiểu, các
nhà nghiên cứu từ Đại học Liverpool, Trung tâm nghiên cứu địa chất GFZ của Đức
và Đại học Iceland đã xem xét các lần biến động trong quá khứ của từ
trường này. Một từ trường suy yếu không hẳn luôn có nghĩa là các cực sắp đảo
chiều – thường thì từ trường khôi phục lại cấu trúc ban đầu của nó và sự
kiện khôi phục yếu dần này được gọi là một hành trình địa từ.
Các
nhà nghiên cứu đã mô hình hóa trường địa từ cách đây 30.000 đến 50.000 năm. Mục
tiêu là kiểm tra 2 chuyến hành trình địa từ gần đây nhất: Lascamp, xảy ra
cách đây khoảng 41.000 năm và Hồ Mono, xảy ra khoảng 34.000 năm trước. Nhóm
nghiên cứu phát hiện ra rằng từ trường vào 2 thời điểm đó không có gì giống với
hiện nay, chỉ ra rằng những thay đổi hiện tại không phải là dấu hiệu cảnh báo về
bất kỳ hành trình hoặc sự đảo ngược nào sắp xảy ra.
“Đã
có suy đoán rằng chúng ta sắp trải qua một hành trình hay sự đảo ngược cực từ.
Tuy nhiên, bằng cách nghiên cứu 2 sự kiện hành trình gần đây nhất, chúng tôi
chỉ ra rằng chúng không giống với những thay đổi hiện tại trong trường địa
từ và do đó không có khả năng một sự kiện như vậy sắp xảy ra. Thay vào đó,
nghiên cứu của chúng tôi cho rằng từ trường yếu hiện tại sẽ phục hồi
mà không cần một sự kiện cực đoan như vậy và do đó không có khả năng sẽ đảo
ngược”, đồng tác giả của nghiên cứu Richard Holme cho biết.
Để
ủng hộ khả năng đó, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy 2 giai đoạn mà ở đó cấu
trúc của trường tương tự nhất với ngày nay là cách đây 49.000 và 46.000 năm.
Từ trường tại 2 thời điểm này có sự "dị thường" tương tự - nhưng mạnh hơn
nhiều – so với sự dị thường trên Nam Đại Tây Dương hiện nay và cả 2 đã
không phát triển thành bất cứ thứ gì. Các nghiên cứu về các đồng vị clo và
beryllium chỉ ra rằng nhiều bức xạ vũ trụ hơn thực sự đã tiếp cận bề mặt
trái đất 46.000 năm trước.
Kết
quả của nghiên cứu này cũng như các nghiên cứu tương tự khác sẽ giúp xoa dịu
bất kỳ lo ngại nào về sự đảo cực sắp xảy ra. Sự đảo cực không chỉ không có
khả năng sớm xảy ra mà thậm chí nếu nó xảy thì chúng ta cũng không có
gì phải lo lắng cả.
LH
(New Atlas)