Tuổi thọ ở Anh gia tăng đều đặn
trong hàng chục năm qua bởi vì điều kiện vệ sinh và thuốc kháng sinh được cải
thiện đã đánh bại hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Tương tự, những bệnh mãn tính
như bệnh tim và ung thư đang từ từ ‘đầu hàng’ trước những can thiệp về y học. Do
đó, tuổi thọ trung bình ở Anh không ngừng gia tăng – chỉ từ dưới 50 tuổi vào năm
1900 đến hơn 75 tuổi vào năm 2000 – và con số đó tiếp tục tăng lên.
Ngoài ra, quy mô gia đình nhỏ
hơn khiến số lượng người cao tuổi cũng gia tăng. Điều đó để lại nhiều hậu quả
cho cấu trúc lực lượng lao động của chúng ta. Trong những năm sắp tới, dân số
của chúng ta ngày càng có nhiều người trên 50 tuổi. Họ sẽ phải duy trì năng suất
và lao động. Tuy nhiên, cũng có những người đang được khuyến khích nghỉ hưu sớm.
“Chúng tôi đã nói với giới trẻ
rằng: Cứ học cho đến giữa những năm 20, nghỉ hưu ở giữa những năm 50 và sống
trên 90”, Harper, người thành lập Viện Nghiên cứu về sự lão hóa của dân số thuộc
Trường Đại học Oxford, cho biết. Vì thế, chúng tôi có những người thọ 90 tuổi mà
chỉ đi làm có 25 năm. Đó không phải là cách mà xã hội nên vận hành”.
Từ viễn cảnh này, rõ ràng là
những vấn đề mà nước Anh phải đối mặt khi dân số già không phải chỉ là những vấn
đề ảnh hưởng đến lương hưu hay chất lượng chăm sóc y tế, mà vấn đề ấy liên quan
đến những thay đổi cấu trúc cơ bản đối với các dịch vụ giáo dục, việc làm, nhà
ở, đi lại và y tế.
Về nhà ở, đến năm 2037 ước tính
có thêm khoảng 1,42 hộ gia đình do những người trên 85 tuổi trở lên làm chủ hộ,
tăng 161% trong 25 năm. Nhu cầu về nhà ở cho người cao tuổi chính vì thế cũng
leo thang.
Tuổi thọ trung bình của nước Anh
dễ dàng bị các nước như Pháp và Nhật Bản vượt mặt. (Ở Pháp, tuổi thọ đối với phụ
nữ là 85 trong khi ở Anh chỉ 83).
Harper cho biết: “Tôi có thể
biết vì sao tuổi thọ của phụ nữ Anh thấp hơn phụ nữ Nhật Bản. Phụ nữ Nhật có chế
độ ăn uống, cấu trúc di truyền và lối sống rất khác biệt. Còn Pháp có dân số rất
giống Anh”.
Phụ nữ ở miền Bắc nước Pháp và ở
Anh có tuổi thọ ngang nhau nhưng lại khác với tuổi thọ của phụ nữ ở miền Nam
nước Pháp. Người dân ở đó sống thọ hơn và có khả năng là do hiệu quả của chế độ
ăn Địa Trung Hải.
“Họ ăn nhiều trái cây và rau
tươi, cũng như cá, một vài sản phẩm từ sữa, dầu oliu, một ít rượu vang chứ không
quá nhiều – và không ăn nhiều thịt – trong khi họ dành nhiều thời gian dưới ánh
nắng và họ gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên với gia đình và bạn bè.
Pháp không phải là quốc gia duy
nhất có lối sống Địa Trung Hải. Nhiều quốc gia khác cũng giáp ranh với Địa Trung
Hải và hầu hết có tuổi thọ thấp hơn.
Tuổi thọ trên hành tinh này khác
nhau rất lớn. Thấp nhất là 46 tuổi ở Cộng Hòa Trung Phi và nhiều quốc gia khác ở
Châu Phi cũng có tuổi thọ ở mức thấp như thế.
Harper cho biết: “Chúng ta cần
một phương pháp đảm bảo mọi người dân có trình độ học vấn và sức khỏe để có thể
sống thọ và hạnh phúc”.
AT (The Guardian)