Nhóm nghiên cứu đã sử dụng sợi
được chiết xuất từ cốt lưới dệt thường được cho vào các lốp xe để đảm bảo khả
năng vận hành của chúng. Việc thêm những sợi này vào hỗn hợp bê tông được biết
làm giảm khuynh hướng nứt vỡ của bê tông dưới sức nóng dữ dội từ lửa.
Bằng cách sử dụng sợi
polypropylene nhân tạo để bảo vệ các cấu trúc bê tông khỏi sự hư hại hoặc sự đổ
vỡ nếu có ngọn lửa phát cháy là một kỹ thuật khá nổi tiếng. Nhiều cấu trúc hiện
đại, bao gồm những công trình quy mô lớn đã sử dụng bê tông có chứa sợi
polypropylene để bảo vệ khỏi sự nứt vỡ do lửa.
Nghiên cứu của Trường Đại học
Sheffield là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng những sợi này không phải được làm
từ các nguyên vật liệu thô, thay vào đó là những phế phẩm từ các lốp xe đã qua
sử dụng.
Theo các nghiên cứu gia, sử dụng
những phế thải theo cách này vừa ít tốn kém lại có lợi cho hành tinh chúng ta.
Những sợi này tan chảy dưới sức
nóng dữ dội từ lửa, để lại các rãnh nhỏ xíu. Điều này có nghĩa là độ ẩm bên
trong khối bê tông có thể thoát ra ngoài, giúp khối bê tông không bị vỡ vụn.
Do những sợi này quá nhỏ nên
không ảnh hưởng đến độ chắc hoặc độ cứng của khối bê tông. Nhiệm vụ của chúng là
chảy ra khi chịu sức nóng lớn. Bê tông là một vật liệu giòn, vì thế sẽ khá dễ vỡ
nếu không có những sợi này giúp giảm áp suất bên trong khối bê tông.
Việc bảo vệ bê tông khỏi sự nứt
vỡ do lửa có nghĩa là các cốt thép bên trong bê tông cũng được bảo vệ. Khi các
cốt thép tiếp xúc với sức nóng cực lớn, chúng sẽ yếu đi một cách rất nhanh chóng,
có nghĩa là công trình xây dựng có khả năng đổ sập rất lớn.
Nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục
thử nghiệm vật liệu này với nhiều tỷ lệ sợi khác nhau, và cũng sử dụng những
loại bê tông khác nhau. Họ còn dự kiến tìm hiểu nhiều hơn về cách phản ứng với
nhiệt của những vật liệu này ở cấu trúc vi mô. Bằng cách nhìn qua khối bê tông
khi bị đốt nóng, họ sẽ có thể biết chính xác hơn những thay đổi cấu trúc diễn ra
bên trong vật liệu ấy.
AT (Eurekalert)