Dữ liệu vệ
tinh chỉ ra rằng trái đất đã xanh thêm 5% trong những năm gần đây nhưng
việc đó không hoàn toàn đáng mừng (Ảnh: Smileus/Depositphotos)
Trong nghiên cứu mới, các nhà
nghiên cứu từ Đại học Boston kiểm tra dữ liệu cảm biến từ xa do các
vệ tinh của NASA thu thập từ năm 2000 đến năm 2017. Điều thú vị là
tổng diện tích phủ xanh trên mặt đất tăng thêm khoảng 5% trong thời gian
đó. Con số đó bằng khoảng 5,5 triệu km2, thảm thực vật mới tương đương
với rừng Amazon.
Các nhà nghiên cứu đã ngạc
nhiên trước thực tế rằng 2 nước dẫn đầu thành tích đó là Trung Quốc
và Ấn Độ. Theo nghiên cứu, riêng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho mức
tăng 25% diện tích đất có cây xanh.
Với thực vật là một bể
chứa carbon tự nhiên khổng lồ, một trái đất xanh hơn hẳn là một điều
tốt. Điều đó đúng theo lý thuyết nhưng trong thực tế các loài thực
vật khác nhau đóng vai trò khác nhau trong chu kỳ carbon, do đó diện
tích phủ xanh tăng có thể không hẳn làm chậm tốc độ biến đổi khí
hậu.
Nhóm cho hay 42% diện tích phủ
xanh mới của Trung Quốc là từ rừng và 32% là từ đất canh tác. Trái
lại, ở Ấn Độ đến 82% diện tích cây xanh tăng thêm là từ cây trồng
trong khi chỉ 4,4% đến từ rừng trồng mới.
Dĩ nhiên, diện tích đất
trồng tăng có nghĩa là sản xuất lương thực tăng. Các nhà nghiên cứu
cho hay Trung Quốc và Ấn Độ đã nâng sản lượng ngũ cốc, rau và trái
cây lên đến 40% kể từ 2000 phần lớn nhờ hoạt động canh tác cải tiến
như luân canh, sử dụng phân bón nhiều hơn và tưới tiêu.
Một nhiều ngạc nhiên lớn
khác từ nghiên cứu là hoạt động con người chịu trách nhiệm cho mức
tăng lớn đó trong thảm thực vật mới. Trước đó, các nhà nghiên cứu cho
rằng hàm lượng CO2 tăng là yếu tố đóng góp lớn nhất. Các phát hiện
mới khẳng định hoạt động sử dụng đất của con người cần được đưa vào
các mô hình hệ thống trái đất trong tương lai.
LH (New Atlas)