Các nhà
nghiên cứu vừa phát triển được một cách mới biến khí CO2 thu được
thành than đá rắn (Ảnh: kodda/Depositphotos)
Nhiều dự án hiện đang thí
nghiệm nhiều cách mới để thu carbon tại nguồn phát. Khí được bơm qua
và hấp thụ bằng khung hữu cơ kim loại, bột xốp, mạng giống xốp hoặc
vật liệu được làm từ đất sét hoặc bã cà phê.
Nhưng đó chỉ mới là một nửa
câu chuyện – bạn làm gì với carbon thu được? Sau khi được tách ra khỏi
các vật liệu thu đó, khí carbon có thể được tái sử dụng để sản
xuất bê tông, đồ uống có gas hay nhiên liệu hoặc với khối lượng lớn
hơn nó có thể chôn xuống lòng đất. Để lưu trữ CO2, khí thường được
nén thành dạng lỏng hoặc liên kết với nước và sau đó bơm sâu xuống
lòng đất. Ở đó, CO2 sẽ tương tác với đá bazan và hóa rắn thành
khoáng carbonate, được báo cáo là mất chỉ 2 năm.
Nhưng các nghiên cứu khác
phát hiện ra rằng quy trình này không hiệu quả như mong đợi. Một
nghiên cứu của MIT phát hiện ra rằng chỉ một lớp mỏng trên cùng là
hóa rắn còn bên dưới vẫn là một túi khí lớn. Cách này chỉ ngăn nó
không đi vào khí quyển lúc này nhưng có tiềm năng rò rỉ trong tương lai
và giải phóng toàn bộ trở lại không khí, vô hiệu hóa toàn bộ nỗ
lực vất vả của chúng ta.
Do đó, nghiên cứu mới nhắm
mục tiêu phát triển một cách để hóa rắn carbon trước khi được chôn
xuống đất, do đó không có cơ hội cho nó thoát ra. Nhóm này bao gồm
các nhà nghiên cứu từ Úc, Đức, Trung Quốc và Mỹ.
Hóa rắn carbon ở nhiệt độ
phòng
Chìa khóa cho phương pháp mới
là một chất xúc tác kim loại lỏng được làm từ hợp kim gali và cerium
do nhóm phát triển. Carbon dioxide đầu tiên được hòa tan vào một chiếc
cốc chứa một chất lỏng điện phân sau đó một lượng nhỏ chất xúc tác
kim loại lỏng được bổ sung vào. Khi một dòng điện được áp vào, chất
xúc tác kích hoạt hóa học bề mặt hỗn hợp, từ từ chuyển đổi CO2
thành các bông carbon rắn.
Chất xúc tác được thiết kế
để trở thành một chất dẫn điện cực tốt và thực hiện phản ứng hiệu
quả. Và vì là một chất lỏng nên các bông carbon không dính với chất
xúc tác như chất xúc tác rắn. Việc đó giúp nó vận hành lâu hơn mà
không bị tắc nghẽn.
Các nhà nghiên cứu cho hay quy
trình này có thể được thực hiện ở nhiệt độ phòng, không giống như
các quy trình chuyển đổi carbon khác đòi hỏi nhiệt độ cao và kết quả
là tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó, phương pháp này có thể
thực hiện trong phòng thí nghiệm với dụng cụ tương đối rẻ tiền và
phổ biến và một nguồn điện nhỏ.
“Cho đến nay, CO2 chỉ được
chuyển đổi thành chất rắn ở nhiệt độ cực cao, khiến nó không khả thi
về mặt công nghiệp. Bằng cách sử dụng các kim loại lỏng làm chất
xúc tác, chúng tôi chứng minh có thể biến khí này trở lại thành
carbon ở nhiệt độ phòng trong một quy trình hiệu quả và có thể nâng
quy mô. Tuy nghiên cứu thêm cần được thực hiên nhưng đó là một bước
tiến đầu tiên để cung cấp phương pháp lưu trữ carbon rắn”, tác giả
nghiên cứu Torben Daeneke cho biết.
Khi carbon được làm rắn, nó
có thể lưu trữ an toàn dưới lòng đất vô hạn mà không sợ rò rỉ trở
lại khí quyển. Nhưng điều thú vị đó đó không phải là kết quả tiềm
năng duy nhất.
“Một lợi ích phụ của quy
trình này là carbon có thể giữ được điện tích, trở thành một chất
siêu dẫn, do đó vật liệu có tiềm năng được sử dụng làm một thành
phần trong xe cộ tương lai. Quy trình cũng sản sinh sản phẩm phụ là
nhiên liệu tổng hợp vốn cũng có các ứng dụng công nghiệp”, tác giả
dẫn đầu nghiên cứu Dorna Esrafilzadeh cho biết.
Kỹ thuật có nhiều tiềm năng
giúp loại bỏ khí nhà kính khỏi bầu khí quyển nhưng như với bất kỳ
công trình nào thuộc loại này, nghiên cứu thêm cần được thực hiện để
tìm hiểu xem mức độ hiệu quả của nó ở quy mô thương mại, cả về mặt
hậu cần và kinh tế. Xem thêm.
LH (New Atlas)