Trong một nghiên cứu ở những
tình nguyện viên khỏe mạnh, các nghiên cứu gia đến từ các Viện Y tế Quốc gia
nhận thấy rằng não bộ của chúng ta có thể củng cố trí nhớ về những kỹ năng mới
mà chúng ta vừa thực hành vài giây trước bằng cách nghỉ giải lao trong chốc lát.
Kết quả nghiên cứu này nêu bật tầm quan trọng đáng kể của sự nghỉ ngơi trong
việc học.
Giống như các khoa học gia khác,
nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Marlene Bönstrup cũng tin rằng bộ não chúng ta cần
thời gian nghỉ ngơi dài như ngủ một đêm ngon giấc chẳng hạn để củng cố các trí
nhớ được hình thành trong lúc thực hành một kỹ năng mới được học. Nhưng sau khi
nghiên cứu sóng não được ghi lại từ những tình nguyện viên khỏe mạnh trong các
thí nghiệm về việc học và trí nhớ, Marlene Bönstrup đã thay đổi suy nghĩ.
Sóng não được ghi lại từ những
tình nguyện viên thuận tay phải bằng một kỹ thuật chụp ảnh cực nhạy. Những người
tham gia ngồi ở trên ghế, mặt hướng vào màn hình và đội lên đầu thiết bị chụp
ảnh não có hình dạng cái nón dài. Cuộc thí nghiệm bắt đầu thì họ trình chiếu một
loạt con số trên màn hình và yêu cầu người tham gia dùng tay trái đánh máy càng
nhiều càng tốt những con số ấy trong 10 giây; rồi nghỉ giải lao 10 giây; sau đó
lặp lại chu trình thử nghiệm này thêm 35 lần.
Như mong đợi, tốc độ đánh chính
xác các con số của những tình nguyện viên đã cải thiện đáng kể trong một vài thử
nghiệm ban đầu. Khi quan sát sóng não của những tình nguyện viên này, Bönstrup
đã quan sát thấy một số điều thú vị.
Cô để ý thấy sóng não của họ
dường như thay đổi nhiều hơn nhiều trong thời gian nghỉ ngơi so với lúc đang
đánh máy. Điều này đã đem lại ý tưởng cho Bönstrup để nghiên cứu xem khi nào
việc học thực sự diễn ra. Trong lúc đánh máy hay lúc nghỉ ngơi?
Bằng cách phân tích lại các dữ
liệu, cô và các đồng sự đã đưa ra hai kết quả nghiên cứu quan trọng. Thứ nhất,
họ nhận thấy rằng kết quả thực hiện của những tình nguyện viên cải thiện chủ yếu
trong những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn, và không phải trong lúc đánh máy.
Những cải thiện thu được trong thời gian nghỉ ngơi ấy được cộng dồn vào những
kết quả đã đạt được vào hôm ấy. Hơn nữa, những kết quả đạt được cao hơn nhiều so
với những kết quả được nhìn thấy sau khi các tình nguyện viên trở lại vào ngày
hôm sau để thử lại, điều đó cho thấy rằng việc nghỉ giải lao đóng vai trò quan
trọng trong việc học.
Thứ hai, bằng cách quan sát sóng
não, tiến sĩ Bönstrup nhận thấy rằng bộ não của các tình nguyện viên đang củng
cố trí nhớ trong lúc nghỉ ngơi. Đặc biệt, các nghiên cứu gia phát hiện rằng
những thay đổi về kích thước của sóng não tương ứng với những cải thiện của các
tình nguyện viên trong lúc nghỉ ngơi.
Phân tích thêm cho thấy rằng
những thay đổi về kích thước sóng não chủ yếu xảy ra ở bán cầu não phải của
những tình nguyện viên này. Những thay đổi ấy chỉ xảy ra trong lúc nghỉ giải lao.
Các kết quả nghiên cứu này cho
thấy tầm quan trọng của việc nghỉ giải lao khi thực hiện các phương pháp điều
trị phục hồi ở bệnh nhân đột quỵ hoặc khi học đánh piano ở những tình nguyện
viên bình thường. Việc những kết quả nghiên cứu này liệu có áp dụng cho những
hình thức học và sự hình thành trí nhớ khác hay không vẫn chưa khẳng định được.
AT (Eurekalert)