Hóa chất rỉ ra
từ rác nhựa được phát hiện làm suy yếu sự sinh trưởng của vi khuẩn trong đại
dương chịu trách nhiệm cho việc sản sinh lượng lớn oxy trong bầu khí quyển của
chúng ta (Ảnh: ead72/Depositphotos)
Prochlorococcus là một chủng
khuẩn lam bé xíu chỉ mới được phát hiện cách đây hơn 30 năm. Loài khuẩn lam đáng
chú ý này không chỉ là sinh vật quang hợp bé nhất trên hành tinh mà còn là một
trong những chủng phong phú nhất. Một số ước tính cho rằng có đến 3 tỷ tỷ tỷ
khuẩn Prochlorococcus trong đại dương mà ở đó chúng không chỉ giúp các vùng nước
khỏe mạnh mà còn sản sinh một lượng oxy đáng kể mà chúng ta đang hít thở.
Đồng tác giả nghiên cứu mới Lisa
Moore từ Đại học Macquarie của Australia cho biết: “Các vi sinh vật bé xíu này
tối quan trọng đối với lưới thức ăn biển, đóng góp cho chu kỳ carbon và được cho
là chịu trách nhiệm cho lên đến 10% tổng sản lượng oxy toàn cầu. Do đó, một
trong 10 lần hít oxy của chúng ta là nhờ những sinh vật nhỏ bé này nhưng gần như
chưa có điều gì được biết về cách vi khuẩn biển như Prochlorococcus phản ứng với
chất ô nhiễm của con người”.
Để lấp đầy khoảng trống kiến thức
khoa học đó, các nhà nghiên cứu đã lấy 2 chủng khuẩn lam khác nhau và trong
điều kiện phòng thí nghiệm cho chúng tiếp xúc với các hóa chất được rò rỉ ra
từ các sản phẩm nhựa phổ biến. Kết quả ấn tượng với các hóa chất làm suy yếu sự
sinh trưởng của Prochlorococcus, giảm khả năng quang hợp và thay đổi biểu hiện
một số lượng lớn các gen.
Nghiên cứu rõ ràng có nhiều hạn
chế nếu ai đó cố gắng ngoại suy các kết quả này cho tác động tổng thể của nhựa
trong đại dương. Các nhà nghiên cứu thực sự lưu ý rằng các thí nghiệm của họ
không xem xét nồng độ cụ thể của nhựa trong đại dương mà thay vào đó chúng được
thiết kế để cố gắng hiểu rõ hơn tác động nào mà ô nhiễm nhựa đại dương có thể
gây ra đối với quần thể vi sinh vật tối quan trọng trong các hệ thống biển của
chúng ta.
“Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra
rằng ô nhiễm nhựa có tác động đối với hệ sinh thái rộng rãi ngoài tác động đã
được biết đến đối với các sinh vật lớn như chim biển và rùa biển. Nếu chúng ta
thực sự muốn hiểu tác động đầy đủ của ô nhiễm nhựa trong môi trường biển và tìm
cách giảm nhẹ nó, chúng ta cần xem xét tác động của nó đối với các nhóm vi khuẩn
quan trọng, bao gồm các vi khuẩn quang hợp”, tác giả dẫn đầu nghiên cứu Sasha
Tetu cho biết.
Trong khi rất nhiều hoạt động
hiện đang nhắm vào vấn đề nhựa và vi nhựa trong các hệ sinh thái đại dương thì
vẫn rất ít điều được biết về tác động thực sự nào các chất ô nhiễm này đang gây
ra. Nghiên cứu thêm sẽ cần thiết để điều tra tác động của nhựa đối với vi sinh
vật trong đại dương thật nhưng các nhà nghiên cứu nêu giả thuyết rằng đây có
khả năng là một vấn đề toàn cầu đáng kể.
Nghiên cứu mới nhấn mạnh gần
2.000 tỷ miếng nhựa tạo nên Đại vựa rác Thái Bình Dương trên một khu vực mà
khuẩn lam Prochlorococcus phong phú nhất. Cùng với đó, một nghiên cứu gần đây hé
lộ rằng rác nhựa trôi nổi có thể làm rò rỉ hóa chất vào nước biển xung quanh
với hàm lượng đủ lớn để thay đổi hoạt động của các quần thể vi khuẩn cục bộ. Do
đó, dù nghiên cứu mới này tiến hành trong môi trường phòng thí nghiệm theo
kịch bản giả thuyết tổng quan nhưng vấn đề hóa chất nhựa rò rỉ vào đại dương là
một vấn đề chắc chắn cần được chú ý.
LH (New Atlas)