Nghiên cứu cho
rằng phôi mòng biển có thể trao đổi những thông tin môi trường quan trọng với
nhau trước khi nở (Ảnh: vetal1983/Depositphotos)
Người ta thường hiểu rằng chim và
các loài vật đẻ trứng khác nhận thông tin cảm giác từ bền ngoài vỏ trứng để
chuẩn bị cho chúng biết thế giới bên ngoài chiếc tổ của mình. Nay một nghiên cứu
từ Đại học Vigo ở Galicia, Tây Ban Nha cho rằng phôi mòng biển còn có thể
thu nhận thông tin môi trường từ anh em còn trong trứng của chúng.
Trong những năm gần đây, người ta
đã chỉ ra rằng rùa con có thể ra hiệu cho nhau bằng rung động để kích hoạt
trứng nở cùng lúc và một số loài chim và bò sát còn có thể ra hiệu bằng rung
động tương tự từ trong vỏ trứng nhưng 2 nhà nghiên cứu Jose Noguera và Alberto
Velando lại muốn biết những lời thủ thỉ giữa trứng với trứng này có ảnh hưởng
đến các yếu tố phức tạp hơn như thế nào.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy
chim non không chỉ nghe và đáp lại với tiếng kêu cảnh báo của chim bố mẹ ngay
khi còn trong trứng mà khi nở, những con chim non đó có hành vi và phát triển
khác biệt với những con chưa từng tiếp xúc với tiếng kêu cảnh báo của chim lớn.
Bản thân điều đó đã đủ thú vị nhưng điều diễn ra khi một quả trứng tiếp xúc với
tiếng kêu cảnh báo của bố mẹ được đặt vào một rổ trứng khác chưa từng nghe về
những rung động đó? Trứng thứ hai vẫn phát triển theo cách tương tự như trứng
thứ nhất. Do đó, dường như có một dạng giao tiếp nào đó giữa các phôi thai đang
diễn ra, có khả năng cao là thông qua dấu hiệu rung động.
Nhóm đã sử dụng một nghiên cứu
đơn giản nhưng hiệu quả để kiểm tra giả thuyết. Họ đã thu thập 90 quả trứng từ
tổ của những con mòng biển chân vàng trên đảo Sálvora Island (ngoài khơi Galicia
ở Tây Ban Nha). Trở về phòng thí nghiệm, trứng được tách ra thành các ổ ấp 3
trứng và được ấp. Các ổ này sau đó được chia làm 2 nhóm. Một nhóm được gọi là
nhóm tiếp xúc với kích thích xã hội về sự có mặt của loài săn mồi trong khi nhóm
còn lại là nhóm đối chứng.
Sau đó, 4 phiên mỗi ngày, 2 trứng
được lấy ra từ mỗi ổ, để lại một trứng trong lò ấp. Những trứng từ nhóm thử
nghiệm được cho tiếp xúc với tiêu kêu báo động của chim lớn trong suốt các phiên
đó trong khi trứng từ nhóm đối chứng được tiếp xúc với tiếng ồn trắng trong cùng
thời gian. Giữa các phiên đó, tất cả các trứng đều được tiếp xúc với tiếng ồn
bầy nền trong ổ ấp.
Khi nở, các nhà nghiên cứu tiến
hành đo một loạt các đặc điểm hành vi và phát triển ở chim non. Dữ liệu cho thấy
những phôi chung tổ với những phôi có tiếp xúc với tiếng kêu cảnh báo phát triển
theo cách tương tự với những con đó. So với nhóm đối chứng tiếng ồn trắng, chúng
mất nhiều thời gian hơn để nở, kêu ít hơn nhóm đối chứng, núp mình thấp hơn khi
tiếp xúc với mối đe dọa được cảm nhận và tổng thể nhỏ hơn với chân ngắn hơn.
Tóm lại, những chú chim này phát
triển những đặc điểm phòng vệ cụ thể như thể chính chúng nghe được tiếng kêu
cảnh báo. Theo Noguera and Velando, điều này khẳng định mạnh mẽ rằng thông tin
về nguy cơ có kẻ săn mồi được truyền giữa các con chim với nhau, có khả năng
thông qua những rung động quan sát được trong phôi của nhóm thử nghiệm.
LH (New Atlas)