Độ che phủ băng biển trên Bắc
Cực đã giảm đáng kể trong ít thập kỷ qua (Ảnh: NASA/Kathryn Hansen)
Trong
nhiều thập kỷ, các nhà khoa học vẫn theo dõi sát sao độ bao phủ của
băng biển Bắc Cực như một dấu hiệu của một hành tinh đang ấm lên.
Nghiên cứu năm 2016 của NASA phát hiện ra rằng tổng diện tích che phủ
tại đỉnh điểm của mùa băng tan thấp hơn 40% so với cuối những năm 1970.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Exeter của Anh năm ngoái dự đoán Bắc
Băng Dương có thể chứng kiến một mùa hè không băng trong vòng 20 năm tới.
Nay NASA tính toán rằng băng biển Bắc Cực đang sụt giảm với tốc độ
12,85% mỗi thập kỷ.
Trong
nghiên cứu mới, các nhà khoa học NASA đã dựa trên 12 năm dữ liệu vệ tinh
để theo dõi hành vi của một trong người dòng chảy đại dương lớn của
khu vực. Được gọi dòng hải lưu Beaufort, dòng chảy tuần hoàn này quan
trọng đối với việc duy trì sự cân bằng của môi trường, thu gom nước
ngọt từ các sông băng tan chảy, nước mưa và nước sông suối ở trên phần
nước mặn ấm hơn để ngăn tan băng biển.
Nhưng
phân tích của nhóm hé lộ rằng dòng hải lưu Beaufort hiện đang nhận
lượng nước ngọt lớn chưa từng có, đủ để gần như đổ đầy 2 lần hồ
Michigan kể từ những năm 1990. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này
được thúc đẩy bởi sự sụt giảm băng biển đáng kể vào mùa hè và mùa
thu, điều cũng khiến dòng hải lưu này tiếp xúc với gió nhiều hơn.
Thông
thường, dòng hải lưu này từ từ giải phóng nguồn cung nước ngọt vào
Đại Tây Dương nhưng gió mạnh khiến nó xoay vòng càng ngày càng nhanh,
giữ nước ngọt ở lại bên trong dòng chảy. Theo truyền thống, gió sẽ
đổi hướng 5 đến 7 năm một lần nhưng trong 20 năm qua gió liên tục thổi
dòng chảy này theo hướng tây. Nếu giờ gió đột nhiên đổi hướng, toàn
bộ nước ngọt tích tụ có thể cùng lúc bị đẩy ra Đại Tây Dương.
Tác
giả dẫn đầu nghiên cứu Tom Armitage cho biết: “Nếu dòng hải lưu Beaufort
giải phóng lượng nước ngọt quá mức này vào Đại Tây Dương, có nguy cơ
nó sẽ làm chậm sự lưu thông. Và điều đó sẽ có tác động khí hậu
trên toàn bán cầu, đặc biệt là Tây Âu”.
Nguyên nhân là do cách vòng hải lưu Beaufort tương tác với một dòng
chảy khác quan trọng với khí hậu của trái đất có tên dòng hải lưu
AMOC. Khi nước ngọt được giải phóng từ Bắc Cực vào Bắc Đại Tây Dương,
nó sẽ làm mát, chìm xuống đáy và đẩy nước hướng đến xích đạo
trước khi mang nhiệt từ vùng xích đạo trở ngược lại các vùng phía
bắc của hành tinh như châu Âu và Bắc Mỹ.
Nếu
dòng hải lưu AMOC có thể bị làm chậm một cách đáng kể, nó sẽ phá vỡ
một trong những hệ thống quan trọng điều tiết khí hậu trái đất. Các
nhà khoa học vẫn tiếp tục theo dõi kỹ dòng hải lưu Beaufort trong mùa
này.
“Điều mà nghiên cứu này chỉ ra ra là mất băng biển có tác động đặc
biệt quan trọng đối với hệ thống thời tiết của chúng ta, điều mà
chúng tôi chỉ mới phát hiện ra”, đồng tác giả Alex Petty chia sẻ.
LH
(New Atlas)