Đồng tác giả nghiên cứu
Coralie Salesse-Smith cùng Giáo sư David Stern (Ảnh: Jason Koski/Brand
Communications
Dẫn dắt bởi Giáo sư David Stern,
các nhà nhà nghiên cứu tại Viện Boyce Thompson ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ
bắt đầu công trình của mình bằng cách xem xét một loại enzyme xuất hiện tự nhiên
có tên RuBisCO. Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng khi hàm lượng chất này tăng
trong cây trồng, chúng sẽ sinh trưởng lớn hơn và trưởng thành nhanh hơn.
Với kiến thức đó, nhóm nghiên cứu
đã tạo ra một giống ngô sản sinh hàm lượng enzyme này nhiều hơn mức bình thường.
Cùng với những cây ngô bình thường, ngô biến đổi gen được trồng trong vòng 3
tuần ở nhiệt độ 25 ºC, sau đó nhiệt độ được hạ xuống còn 14 ºC trong 2 tuần rồi
lại tăng lên 25 ºC như ban đầu.
Việc này nhằm mô phỏng điều kiện
lạnh xuất hiện khi cây ngô được trồng vào mùa xuân và sau đó chịu tác động của
một đợt không khí lạnh. Thông thường khi điều kiện này xảy ra, tốc độ sinh
trưởng của cây bị chậm lại đáng kể. Vào thời điểm cây phục hồi, có lẽ đã quá trễ
để cây ngô đạt độ trưởng thành vào cuối mùa sinh trưởng.
Tuy nhiên, mọi chuyện lại khác
với giống ngô giàu RuBisCO. So với những cây ngô đối chứng, ngô biến đổi gen
biểu hiện tốc độ quang hợp cao hơn trong suốt quá trình thí nghiệm. Sau đợt lạnh,
cây ngô biến đổi gen phục hồi nhanh hơn nhiều do thực tế rằng tổn hại đối với
các phân tử chịu trách nhiệm thực hiện quá trình quang hợp của chúng ít hơn. Kết
quả là một chủng mới sinh trưởng cao hơn cây đối chứng và tạo ra trái bắp trưởng
thành nhanh hơn. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu tạo ra giống ngô biến
đổi gen thậm chí có sức chống chịu tốt hơn nữa.
Giáo sư Stern cho biết: “Giống
ngô chúng tôi phát triển vẫn chưa hoàn toàn tối ưu để chịu lạnh, do đó chúng tôi
đang có kế hoạch cho bước chỉnh sửa tiếp theo. Chẳng hạn, bổ sung một phiên bản
chịu lạnh của một loại protein có tên PPDK vào chủng ngô này và xem liệu nó có
hoạt động tốt hơn không có lẽ là điều rất thú vị”.
HA (Viện Boyce Thompson)