Các nhà
nghiên cứu đang chỉnh sửa gen cây trồng trong phòng thí nghiệm mà không
tạo ra sinh vật biến đổi gen (GMO) (Ảnh: Wusheng Liu)
Công cụ CRISPR-Cas9 cho phép
chỉnh sửa bằng cách cắt-dán chính xác các đoạn DNA trong tế bào
sống. Một tuần tự chỉ dẫn RNA sẽ chỉ đường cho hệ thống nhắm vào
phân đoạn đích của bộ gen. Khi đến đó, một enzyme, thường là Cas9, sẽ
xác định tuần tự đó, xóa tuần từ và thay thế bằng một tuần tự
khác. Theo cách này, các nhà khoa học có thể cắt bỏ các gen có vấn
đề như gen gây bệnh hoặc bổ sung các gen có lợi mới như gen cho cây
trồng khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn.
Đối với nghiên cứu mới, các
nhà khoa học đã điều chỉnh quy trình để chỉnh sửa “sạch hơn” trong cây
trồng. Phương pháp mới sử dụng một quy trình có tên lipofection mà ở
đó các lipid mang điện tích dương được sử dụng để xây dựng một dạng
bong bóng bao quanh Cas9 và cơ cấu RNA vốn chịu trách nhiệm đẩy hệ
thống CRISPR đi vào tế bào. Phương pháp sử dụng một protein Cas9 thay
vì một tuần tự DNA của Cas9.
Nhóm đã tiến hành thử
nghiệm phương pháp bằng cách đưa các protein phát sáng huỳnh quang vào
cây thuốc lá. Và như dự đoán, sau 48 giờ, cây được chỉnh sửa phát
sáng, chứng tỏ phương pháp đã thành công.
Phương pháp mới có một vài
ưu thế so với các phương pháp hiện có. Nó dễ nhắm vào tuần tự gen
mong muốn và áp dụng được cho các loại cây trồng mới mà các phương
pháp hiện có chưa thể biên tập được. Ngoài ra, protein này chỉ tồn
tại vài ngày trước khi bị phân hủy, giảm nguy cơ chỉnh sửa trệch đích.
Ưu thế quan trọng nhất là cây
trồng thu được không được xem là sinh vật biến đổi gen. Vì phương pháp
mới không sử dụng DNA của Cas9 nên nó không đưa DNA ngoại lai vào cây
trồng, đó là sự khác biệt quan trọng.
Dù rất hữu ích trong kỹ
thuật di truyền nhưng thuật ngữ “GMO” mang ý nghĩa tiêu cực đối với
nhiều người lo ngại về vấn đề sức khỏe khi ăn sử dụng các dạng cây
trái hay thịt này. Các vấn đề khác bao nguy cơ cây, con được chỉnh sửa
sẽ thoát ra ngoài môi trường tự nhiên, phát tán các gen mới vào quần
thể bản địa, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Tuy nhiên, vẫn còn một số
rào cản cần vượt qua trước khi phương pháp mới trở nên khả thi. Nhóm
cho hay lipofection chỉ có thể thực hiện nếu vách ngoài của tế bào
cây trồng được loại bỏ trước đó. Dạng tế bào nguyên sinh của cây
trồng này cho phép các nhà khoa học dễ dàng điều chỉnh gen hơn nhưng
không thể thực hiện trên tất cả các loại cây trồng và thậm chí khi
thực hiện được, đó vẫn là một quy trình phức tạp.
Thay vào đó, các nhà nghiên
cứu đang khai thác các tùy chọn khác mà không đòi hỏi phải loại bỏ
vách tế bào. Một cách thay thế là sử dụng CRISPR để đưa protein Cas9
vào hạt phấn hoa mà sau đó có thể tiếp tục thụ phấn cho một cây
khác. Một số cá thể con cháu sẽ có sẵn các phần chỉnh sửa này ngay
từ đầu. Các nhà nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch thử nghiệm phương
pháp này trên cà chua và gai dầu trước, sau đó chuyển sang các loại
cây khác.
LH (New Atlas)