Một chiếc bẫy
rác rẻ tiền, thiết kế địa phương được lắp dặt dọc sông Hồng để thu gom các mảnh
vụn trôi nổi như rác nhựa (Ảnh: Tổ chức Bảo tồn Đại dương)
Chúng có thể trông không sang
chảnh như những cỗ máy Interceptor từ dự án Ocean Cleanup nhưng về ý tưởng thì
cũng tương tự. Chiếc đầu tiên trong loạt bẫy rác được lắp đặt dọc sông Hồng, con
sông dài thứ 2 ở Việt Nam, được thiết kế để loại bỏ các mảnh vỡ trôi nổi trên
mặt nước khi nó chảy về phía Vịnh Bắc Bộ.
“Khoa học mới nhất xác nhận rằng
chúng ta cần một bộ giải pháp để chống lại ô nhiễm nhựa đại dương, từ việc giảm
sự phụ thuộc vào nhựa nguyên sinh để cải thiện việc thu gom và tái chế chất thải
cho đến dọn dẹp chất thải nhựa mà rốt cuộc sẽ nằm lại trong môi trường. Các con
sông thường đóng vai trò như một con đường để nhựa đi ra biển, vì vậy những
chiếc bẫy rác như thế này là công cụ thu gom quan trọng. Điều khiến mô hình đặc
biệt này trở nên độc đáo và đầy hứa hẹn là nó không đắt, được thiết kế tại địa
phương và được làm từ vật liệu có nguồn gốc địa phương”, Chever Voltmer từ Tổ
chức Bảo tồn Đại dương cho biết .
Bẫy rác, công trình của Trung tâm
Bảo tồn Động vật biển và Phát triển cộng đồng Việt Nam (MCD), đã được thử nghiệm
trên sông Hồng trong khoảng một năm nay - thu gom hơn 18 tấn rác thải trôi nổi
trong khoảng thời gian đó. Nay, nhờ khoản tài trợ từ Liên minh Dòng chảy Sạch
của Sáng kiến Đại dương Benioff, nhiều công trình lắp đặt dọc theo sông và các
nhánh của sồng Hồng ở tỉnh Nam Định sẽ được triển khai trong 2 năm tới.
Trong khi cỗ máy Interceptor từ
dự án Ocean Cleanup là một loại tàu giống sà lan được thiết kế để loại bỏ nhựa
khi nó đi tuần trên các con sông thì bẫy rác này có các cần nổi và bệ kết nối
với bờ sông.
Trong thời gian được tài trợ, một
nhóm địa phương sẽ tiến hành loại bỏ và phân loại các mảnh vỡ bị mắc kẹt 3 ngày
một lần. Rác thải nhựa như chai lọ sẽ được bán cho các cơ sở tái chế trong khi
nhựa cấp thấp hơn từ các loại túi và màng sẽ được xử lý tại một cơ sở đặc biệt ở
Nam Định. Dữ liệu về hoạt động này sẽ được các thành viên của Tổ chức Bảo tồn
Đại dương và các nhà khoa học Việt Nam phân tích để đưa ra các chiến lược xử lý
rác thải trong tương lai.
Có vẻ như giải pháp này không
được thiết kế để xử lý vi nhựa nhưng với việc MCD đang tìm cách xây dựng một
mạng lưới bẫy tại đồng bằng sông Hồng, nó có thể giúp ngăn chặn thủy triều rác
thải nhựa tràn ra biển và đại dương từ các con sông của Việt Nam.
HA (New Atlas)