Các nhà khoa
học vừa xác định được một cơ chế mới khiến tế bào gốc nang lông mất khả năng
tái sinh (Ảnh: New Atlas)
Nghiên cứu được thực hiện bởi các
nhà khoa học tại Đại học Y khoa và Nha khoa Tokyo và Đại học Tokyo nhắm mục tiêu
khám phá cách các tế bào gốc nang tóc giúp chúng ta mọc tóc mới và lý do tại sao
mối quan hệ quan trọng đó có thể bị phá vỡ.
Tính ổn định của tế bào gốc nang
tóc của chúng ta dựa trên sự kết hợp khỏe mạnh của 2 dạng phân bào. Trong phân
bào đối xứng theo chu kỳ, các tế bào gốc của nang lông được chia thành 2 loại tế
bào có cùng số phận, trong khi trong phân bào bất đối xứng, chúng được phân tách
thành một tế bào biệt hóa cùng với một tế bào gốc tự làm mới riêng biệt. 2 chu
trình này phối hợp hoạt động để giữ cho quần thể tế bào gốc nang tóc sống sót và
có thể tái tạo tóc. Tương tự, chúng có thể dẫn đến cái chết khi các chu trình
này hoạt động không như bình thường.
“Để có chức năng mô phù hợp, quá
trình phân bào đối xứng và không đối xứng phải cân bằng. Một khi tế bào gốc được
ưu tiên trải qua 1 trong 2 hoặc tệ hơn, đi chệch khỏi quy trình điển hình của 1
trong 2 kiểu phân bào thì cơ quan đó sẽ bị ảnh hưởng. Trong nghiên cứu này,
chúng tôi muốn tìm hiểu sự phân chia tế bào gốc có vai trò như thế nào đối với
sự phát triển của tóc trong quá trình lão hóa”, đồng tác giả nghiên cứu Emi
Nishimura cho biết.
Các nhà khoa học đã tiến hành các
thí nghiệm liên quan đến cả chuột trẻ và chuột già, trong đó họ theo dõi tế bào
gốc nang lông và theo dõi sự phân chia của chúng bằng 2 bài xét nghiệm khác nhau.
Kết quả cho thấy trong khi những con chuột non biểu hiện sự kiểu phân chia đối
xứng và không đối xứng khỏe mạnh bình thường thì một kiểu phân chia tế bào kỳ lạ,
không điển hình bắt đầu xuất hiện ở những con chuột già.
Tìm hiểu sâu hơn về lý do đằng
sau điều này, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu vai trò của một lớp protein được gọi
là hemidesmosomes, vốn kết nối các tế bào với chất nền ngoại bào xung quanh và
giúp chúng cảm nhận được vị trí của mình trong môi trường. Phân tích của nhóm
nghiên cứu cho thấy ở những con chuột lão hóa, các protein này ngày càng kém ổn
định và thúc đẩy việc sản sinh ra một loại tế bào khác thường trong quá trình
phân chia tế bào gốc nang lông.
“Đây là những kết quả nổi bật cho
thấy cách nang tóc mất khả năng tái tạo tóc theo thời gian. Kết quả của chúng
tôi có thể góp phần vào việc phát triển các phương pháp tiếp cận mới để điều
chỉnh quá trình lão hóa cơ quan và các bệnh liên quan đến lão hóa”, đồng tác giả
Hiroyuki Matsumura cho biết.
Kết quả của việc này là các tế
bào gốc của nang tóc trở nên cạn kiệt khi chúng già đi, dẫn tới chúng bị đào
thải ra khỏi cơ thể. Do đó, điều này dẫn đến việc các nang tóc mỏng và rụng theo
thời gian.
LH (New Atlas)