Nader Moazami (giữa), Giám đốc phẫu thuật ghép tim tại Viện
cấy ghép Langone NYU, dẫn đầu nhóm thực hiện ghép một quả tim sửa đổi gen vào người
nhận mới tử vong hôm 06/7/2022 ở New York (Ảnh: Joe Carrotta)
Năm nay chắc chắn sẽ trở thành một bước ngoặt quan trọng đối
với lĩnh vực cấy ghép liên loài (xenotransplant). Trong nhiều thập kỷ, các nhà
khoa học đã nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nội tạng. Một chiến lược
là phát triển lợn biến đổi gen có các cơ quan được thiết kế để không bị đào thải
khi cấy ghép vào cơ thể người.
Đầu năm nay, một quy trình đặc biệt của các bác sĩ phẫu thuật
tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland đã hoàn thành ca ghép tim từ lợn sang người
đầu tiên. Thông qua một điều khoản sử dụng nhân đạo từ FDA, tim lợn đã được cấy
ghép vào người sống, sau đó sống được 2 tháng trước khi qua đời vì suy tim.
Quy trình cấy ghép liên loài vào người sống đó là một bước
tiến bất ngờ cho lĩnh vực này. Trước đó, các nhà nghiên cứu tại NYU Langone đã
đi đầu trong công việc thử nghiệm nội tạng lợn ở những đối tượng người mới qua đời.
Năm ngoái, nhóm NYU là nhóm đầu tiên trên thế giới cấy ghép
nội tạng lợn biến đổi gen vào người. Thông qua 2 quy trình, các bác sĩ phẫu thuật
đã cấy ghép thành công thận lợn cho các đối tượng vừa qua đời.
Cơ chế mới này được gọi là “hiến tặng toàn bộ cơ thể” và nó
liên quan đến việc các tình nguyện viên hiến toàn bộ cơ thể của họ cho khoa học
để nghiên cứu hỗ trợ sự sống cho họ trong vài ba ngày sau khi chết não. Robert
Montgomery, người dẫn đầu nghiên cứu từ Viện cấy ghép Langone NYU cho biết công
trình này là một bước đệm quan trọng cho lĩnh vực cấy ghép liên loài và trước
thời điểm này, các cơ quan này chỉ được thử nghiệm trên các loài linh trưởng
không phải người.
“Mục đích lớn hơn của chúng tôi là giải quyết tình trạng thiếu
nội tạng và cung cấp một tùy chọn khác cho hơn 100.000 người trên toàn nước Mỹ
đang chờ đợi món quà cứu mạng sống đó. Cơ chế hiến tặng toàn bộ cơ thể - khi hiến
tạng không phải là một lựa chọn khả thi - là rất quan trọng đối với công việc
này trong tương lai. Chúng tôi rất biết ơn các gia đình đã tình nguyện tham gia
vào nghiên cứu này, công trình sẽ giúp cứu sống hàng ngàn người khác”,
Montgomery nói.
2 thủ tục mới đã được hoàn thành trong 6 tuần qua. Cả hai
người hiến tặng đều được duy trì sự sống nhờ sự hỗ trợ của máy thở trong 72 giờ
sau khi được tuyên bố là chết não.
Những quả tim lợn được cấy ghép vào người hiến tặng được thiết
kế với 10 biến đổi gen cụ thể. 6 trong số những sửa đổi đó là bao gồm “gen chuyển
của người” và 4 sửa đổi nhằm loại bỏ một số gen lợn có thể thúc đẩy đào thải cơ
quan.
Quy trình cho các thủ tục đã cố gắng tuân theo các tiêu chuẩn
ghép tim lâm sàng hiện hành. Vì vậy, chỉ có các loại thuốc ức chế miễn dịch
tiêu chuẩn được sử dụng, không giống như phương pháp cấy ghép liên loài từ lợn
sang người ở Maryland vốn sử dụng một số loại thuốc thử nghiệm. Và các phương
pháp bảo quản và vận chuyển tiêu chuẩn đã được triển khai.
Giám đốc phẫu thuật của dự án Nader Moazami cho biết: “Mục
tiêu của chúng tôi là tích hợp các phương pháp được sử dụng trong một ca cấy
ghép tim thông thường, hàng ngày, chỉ với một cơ quan không phải của con người
sẽ hoạt động bình thường mà không cần hỗ trợ thêm từ các thiết bị hoặc thuốc
chưa được thử nghiệm. Chúng tôi tìm cách xác nhận rằng các thử nghiệm lâm sàng
có thể tiến hành bằng cách sử dụng nguồn cung cấp nội tạng mới này với các
phương pháp cấy ghép đã được thử nghiệm và chứng nhận mà chúng tôi đã hoàn thành
tại Viện cấy ghép Langone NYU”.
Các quy trình thử nghiệm được coi là thành công, không có dấu
hiệu đào thải vì các cơ quan hoạt động hoàn toàn bình thường trong suốt 72 giờ
theo dõi. Phát biểu với CNN Moazami cho biết 3 ngày được xác định là khung thời
gian đạo đức nhất để thăm dò hiệu quả của các thủ tục này nhưng sẽ cần nhiều
công trình hơn nữa trước khi loại hình cấy ghép liên loài này trở một phương
pháp sử dụng lâm sàng.
Ông nói thêm: “Vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi
chúng ta chuyển từ đây sang phương pháp cấy ghép lâm sàng để hỗ trợ bệnh nhân về
lâu dài. Vẫn còn rất nhiều, rất nhiều câu hỏi cần được trả lời”.
LH (New Atlas)