Những
kỳ tích đáng chú ý trong sinh sản của chuột chũi có thể dẫn đến các liệu pháp
sinh sản ở người (Ảnh: UPMC)
Loài gặm
nhấm sống dưới lòng đất gần như mù lòa này đã phá vỡ nhiều tiêu chuẩn sinh học
như khả năng chống ung thư, khả năng chống đau, ít có dấu hiệu suy giảm theo tuổi
tác và có khả năng chuyển đổi năng lượng giống như thực vật trong môi trường
thiếu ôxy. Giờ đây, một nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ cách thức loài gặm nhấm giống
cái - sống đến hơn 30 năm - có thể tiếp tục sinh con trong suốt độ tuổi xế chiều
của chúng.
Tiến
sĩ Miguel Brieño-Enríquez, Phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phụ nữ Magee và Khoa
Sản, Phụ khoa và Khoa học Sinh sản của Đại học Y khoa Pittsburgh cho biết: “Chuột
chũi trụi lông là loài động vật kỳ lạ nhất. Chúng là loài gặm nhấm sống lâu nhất,
hầu như không bao giờ bị ung thư, không cảm thấy đau đớn như các loài động vật
có vú khác, chúng sống thành đàn dưới lòng đất và chỉ có con chúa mới có thể
sinh con. Nhưng đối với tôi, điều tuyệt vời nhất là chúng không bao giờ ngừng
sinh con – chúng không hề bị suy giảm khả năng sinh sản khi có tuổi”.
Nhóm
nghiên cứu đã so sánh buồng trứng của chuột chũi trụi lông với buồng trứng của
chuột nhắt qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong khi những con chuột nhắt
cho thấy khả năng sinh sản giảm từ khoảng 9 tháng với tuổi thọ khoảng 4 năm thì
những loài gặm nhấm có kích thước tương tự của chúng lại không như vậy. Hầu hết
các động vật có vú giống cái, bao gồm cả người và chuột, được sinh ra với một số
lượng hữu hạn các tế bào trứng vốn cạn kiệt theo thời gian, ngày càng cản trở
khả năng sinh sản. Tuy nhiên, chuột chũi dường như có các quá trình sinh học đặc
biệt bảo tồn các tế bào này và duy trì khả năng sinh sản của chúng trong suốt
cuộc đời.
Trong
nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cũng tách những con cái 3 tuổi không sinh sản khỏi
đàn để kích hoạt quá trình sinh sản của chúng. Họ sớm phát hiện ra rằng những
con cái này có các tế bào tiền thân của trứng bắt đầu phân chia, để chuẩn bị
cho vai trò chuột chúa của chúng và trở thành chuột chũi sinh sản. Không giống
như con người và các động vật có vú khác, quá trình tạo trứng này xảy ra sau
khi sinh ở chuột chũi trụi lông, với các tế bào tiền thân của trứng phân chia để
tạo thành tế bào trứng ở cả con 3 tháng tuổi và 10 tuổi.
“Điều
này rất quan trọng vì nếu có thể tìm ra cách chúng có thể làm được điều này,
chúng ta có thể phát triển các đích nhắm thuốc hoặc kỹ thuật mới để giúp ích
cho sức khỏe con người. Mặc dù con người đang sống lâu hơn nhưng thời kỳ mãn
kinh vẫn xảy ra ở cùng độ tuổi”, Brieño-Enríquez nói.
Ở người,
quá trình tạo trứng xảy ra ở giai đoạn phát triển phôi thai, vì vậy số lượng tế
bào trứng được giới hạn khi sinh. Một đến 2 triệu tế bào trứng giảm xuống còn
300.000-500.000 ở tuổi dậy thì và giảm dần sau đó cho đến khi mãn kinh. Trong
khi một số bị mất do rụng trứng, hầu hết chết đi. Tìm ra cách chuột chũi bảo tồn
các tế bào trứng của chúng - và thậm chí tạo ra nhiều hơn - trong suốt cuộc đời
dài của chúng có khả năng tạo ra những hướng đi mới cho các liệu pháp sinh sản
cho con người.
“Chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng những gì học được
từ chuột chũi trụi lông để bảo vệ chức năng buồng trứng khi lớn tuổi và kéo dài
khả năng sinh sản”, Brieño-Enríquez cho biết thêm.
LH
(New Atlas)