PhenoBot 3.0 sử dụng trong hệ thống được thiết
kế để di chuyển giữa 2 hàng bắp cách nhau 30 inch (762 mm), đây là chiều rộng
tiêu chuẩn được hầu hết nông dân áp dụng (Ảnh: Đại học bang Bắc Carolina)
Được phát triển bởi một nhóm từ Đại học Bang Bắc Carolina
và Đại học Bang Iowa, hệ thống AngleNet kết hợp mẫu robot nông nghiệp chạy bằng
bánh PhenoBot 3.0 hiện có với phần mềm dựa trên máy học đặc biệt. Gắn trên
robot là 4 mô-đun chụp ảnh PhenoStereo, mỗi mô-đun bao gồm 2 camera và một bộ
đèn chớp. Các mô-đun được sắp xếp cách đều theo chiều cao.
Khi robot được điều khiển từ xa di chuyển dọc theo luống
cây, hệ thống camera sẽ tự động chụp các bức ảnh lập thể nhìn từ mặt bên của lá
bắp trên mỗi cây ở các độ cao khác nhau. Phần mềm kết hợp những hình ảnh đó để
tạo thành mô hình 3 chiều của lá, từ đó có thể tính toán được góc nghiêng của
lá so với thân.
Ngoài ra, vì các mô-đun máy ảnh được gắn ở độ cao xác định
nên có thể xác định độ cao của lá so với mặt đất, đây là một mẩu thông tin quan
trọng khác.
“Ở cây bắp, bạn muốn những chiếc lá ở phía trên tương đối
chĩa lên nhưng những chiếc lá ở phía dưới thân cây lại nằm ngang hơn. Điều này
cho phép cây thu được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Các nhà nghiên cứu chuyên về
lai tạo giống cây trồng sẽ theo dõi dạng cấu trúc cây trồng này vì nó cung cấp
thông tin cho công việc của họ”, đồng tác giả Giáo sư Lirong Xiang chia sẻ.
Trong một thử nghiệm công nghệ, góc của lá đo bởi hệ thống
AngleNet được ghi nhận chênh lệch khoảng 5 độ so với góc đo thủ công. Theo các
nhà khoa học, độ chênh lệch này nằm trong phạm vi sai số chấp nhận được cho mục
đích nhân giống cây trồng.
“Chúng tôi đã làm việc với một số nhà khoa học cây trồng để
sử dụng công nghệ này và lạc quan rằng sẽ có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến
việc áp dụng công nghệ này để cung cấp thông tin phục vụ cho công việc của họ.
Cuối cùng, mục tiêu của chúng tôi là giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu nhân
giống nhằm cải thiện năng suất cây trồng”, Xiang cho biết thêm.
LH (Đại học bang Bắc Carolina)