Các đồ vật
in 3D được nhúng thẻ huỳnh quang có thể quan sát thông qua máy ảnh hồng ngoại
Được đưa vào sử
dụng phổ biến nhờ đại dịch, mã QR có thể khá tiện lợi để truy cập thẳng vào một
trang web chỉ bằng cách quét ô vuông đen trắng nhỏ. Dạng mã này vẫn thường được
tìm thấy trên các áp phích sự kiện để mua vé, trên bàn nhà hàng để xem menu số
hoặc link đến nhiều thông tin hơn trong bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật.
Tuy nhiên, chúng có thể được thay thế bằng các mã liên kết lừa đảo hoặc virus. Và
người ta có thể cho rằng chúng trông xấu xí và chiếm chỗ trên một đồ vật.
Đó là lúc
BrightMarker mới của MIT vào cuộc. Về cơ bản, hệ thống này hoạt động theo cách
tương tự nhưng ẩn mã bên trong đối tượng đang được theo dõi, do đó nó không thể
bị giả mạo – hoặc thậm chí bị nhìn thấy. Nhưng nếu bạn chĩa một máy camera hồng
ngoại vào nó, thẻ xuất hiện cùng với thông tin mà nó mã hóa.
Ở hình thức hiện
tại, BrightMarker cần được nhúng trực tiếp vào đối tượng được in 3D từ giai đoạn
mô hình. Sử dụng một plugin phần mềm, thẻ BrightMarker được đặt vào mô hình kỹ
thuật số và được xuất dưới dạng 1 file STL. Sau đó, bằng cách sử dụng các sợi
huỳnh quang trong máy in, một đồ vật có thẻ ẩn có thể được in ra. Nhóm nghiên cứu
cho biết, thẻ nhúng này không làm thay đổi hình dạng, chức năng hoặc vẻ ngoài của
đồ vật.
Vật liệu huỳnh
quang tạo nên các thẻ đó phát ra ánh sáng ở bước sóng gần hồng ngoại, do vậy,
chúng sẽ hiển thị với độ tương phản cao khi nhìn qua camera hồng ngoại. Nhóm cũng
đã phát triển các phụ kiện phần cứng nhỏ có thể gắn vào điện thoại thông minh
hoặc kính đeo VR/AR để phát hiện thẻ.
Nhóm này trước
đây cũng đã tạo ra các thẻ InfraredTag có chức năng tương tự. Nhưng chúng chỉ
có thể được sử dụng trên các đồ vật màu đen và khó theo dõi hơn vì chúng không
nổi bật so với các bước sóng ánh sáng nền. Thiết kế mới hoạt động với nhiều màu
sắc và có độ tương phản cao hơn để nhìn rõ mã hơn.
Vậy có thể sử dụng
hệ thống này cho mục đích gì? Nhóm cho biết BrightMarkers có thể được sử dụng để
theo dõi lịch sử của một món đồ, xác minh tính xác thực, vị trí trong quá trình
vận chuyển hoặc các mục đích sử dụng khác mà mã vạch hoặc mã QR hiện đang đảm
nhiệm.
Nhưng chúng
cũng có thể được sử dụng cho các hệ thống theo dõi sự chuyển động trong VR, chẳng
hạn như bằng cách nhúng thẻ vào thiết bị đeo để kính đeo có thể theo dõi vị trí
bàn tay của người dùng và khớp chúng với nhân vật ảo của họ. Về mặt bảo mật, họ
cũng có thể đề phòng các đồ vật bị “dịch chuyển” khi chúng không được phép (tức
là bị đánh cắp). Vì mục đích riêng tư, các bộ lọc bổ sung có thể ẩn môi trường
xung quanh và chỉ nhìn thấy thẻ.
Tuy nhiên, chúng
cũng có những hạn chế riêng. Vấn đề chính là chúng chỉ có thể theo dõi các vật
thể được in 3D đặc biệt với thẻ huỳnh quang được nhúng ngay bên trong, làm hạn
chế phạm vi sử dụng của chúng. Ngoài ra còn có cảm giác trớ trêu rằng chúng giống
như một giải pháp đang tìm kiếm vấn đề.
LH (New Atlas)