* Chủ động chuẩn bị
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chính ủy Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ) kể lại, ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã gặp đồng chí Phùng Thế Tài, khi đó vừa nhận chức Tư lệnh Phòng không, Bác đã hỏi: “Chú đã biết gì về máy bay B-52 chưa”? Bác nói tiếp: “Có biết lúc này cũng chưa làm gì được nhưng phải chuẩn bị từ bây giờ để sẵn sàng đối phó với nó...”. Lời tiên đoán của Bác đã trở thành hiện thực: Ngày 18-6-1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn). Sau đó 1 tháng, ngày 19-7-1965, Bác Hồ đến thăm Đoàn pháo Cao xạ “Xung kích” và Đại đội 1 của Đoàn pháo cao xạ “Tam Đảo”. Tại đây, Bác đã nói: “Dù đến quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay bê gì đi nữa ta cũng đánh, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đánh là nhất định thắng”.
Tiếp đó, ngày 29-12-1967, trong buổi làm việc với Tư lệnh PKKQ Phùng Thế Tài, Bác đã nói lời tiên tri: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Trung tướng Phạm Tuân.
Thiếu tướng Vũ Văn Kha, Phó tư lệnh Quân chủng PKKQ cho biết, thấm nhuần lời dạy và những tiên đoán thần kỳ của Bác, cán bộ, chiến sĩ Quân chúng PKKQ đã nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đối phó với các tình huống đế quốc Mỹ gây ra. Trận chiến đấu 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” đã minh chứng cho sự chuẩn bị và ghi nhớ lời tiên tri, dự đoán mà Bác đã nhắc nhở cán bộ chiến sĩ. “Lịch sử của Quân chủng PKKQ ghi rõ, đầu tháng 12-1972, Tổng bí thư Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng PKKQ kiểm tra. Tổng bí thư nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ sẽ đưa B52 ném bom Hà Nội, quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PKKQ phải kiên quyết làm thất bại âm mưu của chúng”, từ sự quan tâm sát sao của Đảng, lời tiên đoàn thần kỳ của Bác, cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng PKKQ đã chủ động, chuẩn bị mọi mặt làm nên chiến thắng lừng lẫy “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pari không điều kiện, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, Thiếu tướng Kha nói.
* Ký ức không quên
Với những người lính từng trực tiếp tham gia trận 12 ngày đêm hoặc được chứng kiến thời khắc lịch sử trong ký ức của họ vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử này. Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 921, một trong những đơn vị chủ lực của quân chủng PKKQ đánh địch trong 12 ngày đêm kể lại, Mỹ huy động đánh phá miền Bắc lần nhất bằng không quân ngay từ năm 1965. Vào thời điểm đó, vũ khí trang bị của ta còn khá hạn chế, mới chỉ có những chiếc MiG17 nhưng các biên đội bay đã anh dũng hạ gục nhiều máy bay hiện đại như F105, F105D của không lực Hoa Kỳ.
Thời khắc mà ông nhớ nhất là trận đánh sáng ngày 4-4-1965, khi phát hiện nhiều tốp máy bay F100D, F105 và F105D của địch ném bom khu vực Thanh Hóa và Khu 4 cũ, biên đội bay của Phi công Trần Hanh được lệnh làm nhiệm vụ cất cánh ở độ cao 8000 mét nhằm thu hút tiêm kích Mỹ, yểm hộ cho biên đội công kích khi cần thiết. Sau 2 phút, Biên đội tiến công gồm: Phi công Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê minh Huân, Trần Nguyên Năm xuất kích, bay thấp ra hướng đông rồi bất ngờ quay ngoặt vào để tránh bị Radar trên Hạm tàu của địch phát hiện. Đến khu vực chiến đấu, biên đội bay lên, chiếm độ cao có lợi. Đến 10 giờ 30 phút, phi công Trần Hanh phát hiện tốp 4 chiếc F105 D đang kéo lên cao sau khi cắt bom nên rơi vào thế bất lợi. Biên đội MiG17 của Trần Hanh đã khéo léo chen vào giữa tốp F105D và F100D để chiếm vị trí công kích. Chiến MiG17 của Trần Hanh đã bám theo một chiếc F105D, cách máy bay địch 400 mét, ông đã nổ súng, chiếc F105D bốc cháy và rơi cách Thanh Hóa 30 km. Đây là chiếc máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Cùng đó, Lê Minh Huân hạ gục một chiếc F105D khác. Những chiến công này là kinh nghiệm để ngày 20-11-1971, ông đã chỉ huy Phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương máy bay B52 và trong trận 12 ngày đêm, ông chỉ huy nhiều trận đánh thắng B52, F4 của không lực Hoa Kỳ. Trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975, ông đã chỉ huy và trực tiếp tham gia đánh Sân bay Tân Sơn Nhất, ông vinh dự là một trong 3 phi công đầu tiên được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) năm 1967.
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Tuân, người đầu tiên trên thế giới bắn rơi B52 kể lại, chiều 27-12-1972, biên đội của ông được lệnh bí mật rút lên Sân bay Yên Bái. Đúng 22 giờ 20 phút, nhận được lệnh của Sở chỉ huy X, Phi công Phạm Tuân đã lái chiếc Mig21 xuất kích từ Sân bay Yên Bái. Máy bay theo phương án dẫn đường đã chuẩn bị trước với chiến thuật “bay thấp, kéo cao” để tránh radar của địch. Sở chỉ huy đã hướng dẫn máy bay của Phạm Tuân về phía Mộc Châu. Khi đến cự ly hợp lý, Sở chỉ huy cho phép mở radar, phát hiện máy bay B52, ông đã ấn nút phóng 2 quả tên lửa về phía máy bay B52. Chiếc pháo đài bay B52 trúng đạn bùng cháy, lửa đỏ rực cả một vùng trời. Được lệnh của chỉ huy, ông nhanh chóng thoát ly chiến đấu bay trở về sân bay hạ cánh an toàn xuống Sân bay Yên Bái, nơi ông vừa cất cánh hơn 20 phút trước đó, ông là người đầu tiên trên thế giới bắn rơi B52. Đêm hôm sau, Phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi thêm một chiếc B52 và anh dùng hy sinh trong chiến dịch 12 ngày đêm.
Không được trực tiếp tham gia trận đánh nhưng vào thời điểm đó, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhân (hiện ở phường Thống Nhất, Biên Hòa) đang làm việc tại Nhà máy Quốc phòng A31, đơn vị chuyên sửa chữa tên lửa thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng PKKQ. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhân nhớ lại, lúc đó không khí làm việc khẩn chương, vũ khí trang bị kỹ thuật bị hư hỏng hoặc tiếp nhận mới được đưa về bảo dưỡng, sửa chữa với tinh thần “khẩn chương nhất để diệt B52”, từng phân xưởng, bộ phận của Nhà máy làm việc không nghỉ, nhiều máy bay chiến đấu, các trang bị vũ khí kỹ thuật hư hỏng đã nhanh chóng được cán bộ, chiến sĩ của Nhà máy khắc phục một cách nhanh nhất... đã góp phần to lớn trong chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”.
Và còn rất nhiều CCB đã từng được sống trong thời khắc lịch sử đó mà chúng tôi chưa có dịp được gặp nhưng khi nhắc lại về một thời lịch sử oai hùng, các hội thảo, hội nghị đều khẳng định, chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của cuộc chiến tranh nhân dân chính nghĩa, thể hiện rõ bản lĩnh trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam, tạo đà cho ta tiến lên tổng tiến công mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đỗ Quyên