* Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng
Năm
2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Sữa học đường”
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020 với 19 thành viên. Ngay sau
đó, đề án “Sữa học đường” đã được thực hiện thí điểm cho trẻ mầm non của 5 huyện:
Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú và Vĩnh Cửu. Sau giai đoạn thí điểm, đề án
được nhân rộng trên toàn tỉnh, không chỉ học sinh mầm non mà cả học sinh tiểu học
(từ lớp 1 đến lớp 3) cũng được uống sữa học đường. Các trường, nhóm, lớp ngoài
công lập cũng được thụ hưởng chương trình này.
Chương trình sữa học đường giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ
Đây
là một đề án lớn, có tính nhân văn cao, nhằm mục đích cải thiện tình trạng dinh
dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ mầm non, tiểu học, góp phần
phát triển nhân lực trong tương lai. Đồng Nai là tỉnh thứ 3 trong cả nước thực
hiện đề án này (sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh).
Theo
đề án, với mỗi hộp sữa học đường, phụ huynh chỉ phải đóng góp 35%, ngân sách tỉnh
chi 50%, 15% còn lại do đơn vị cung cấp sữa tài trợ (bằng cách giảm giá trực tiếp
trên sản phẩm. Mỗi tuần, trẻ được uống 4 hộp sữa (từ thứ 2 đến thứ 5). Kinh phí
thực hiện đề án trong giai đoạn 2014 - 2017 là hơn 385 tỷ đồng. Trong đó, ngân
sách tỉnh chi hơn 226 tỷ đồng, phụ huynh đóng góp hơn 158 tỷ đồng.
Đề
án “Sữa học đường” đặc biệt có ý nghĩa khi thực hiện tại vùng sâu, vùng xa,
vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ở những nơi này, do điều kiện kinh tế
khó khăn nên nhiều trẻ không được uống sữa. Vì vậy, hiệu quả khi triển khai “Sữa
học đường” tại những nơi này cũng rất rõ nét. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm
đều qua các năm. Một số địa phương đã vận động tài trợ được khoản đóng góp 35%
cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Uống sữa mỗi ngày giúp nâng cao thể chất cho trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo
Theo
thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2014-2016, đã cung cấp tổng số
37.036.656 hộp sữa tiệt trùng loại 180ml cho các đối tượng học sinh mầm non và
học sinh tiểu học thuộc đề án sữa học đường. Bắt đầu từ năm 2017, thực hiện đại
trà Đề án trên toàn tỉnh, số lượng hộp sữa cung cấp khoảng 38.953.920 hộp cho học
ính mầm non và học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 trên địa bàn toàn tỉnh.
Thông
qua thực hiện đề án, chất lượng Chăm sóc – giáo dục trẻ được nâng lên rõ rệt
sau gần 4 năm thực hiện. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi có dấu hiệu
giảm rõ rệt. Cụ thể, trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở nhà trẻ chỉ còn 6,0%, giảm
5,2%, ở mẫu giáo còn 6,1%, giảm 5,4%; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ
còn 6,2%, giảm còn 6,1%, ở mẫu giáo còn 7,0%, giảm còn 5,6%.
* Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Nhằm
thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình cho trẻ uống sữa tại
các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập có quy mô dưới 50 trẻ, Sở Giáo dục và Đào
tạo đã tiến hành 66 đợt kiểm tra về thực hiện chương trình sữa học đường ở các
địa phương. Cụ thể, Sở đã tổ chức 71 đợt
kiểm tra, bình quân mỗi đợt khoảng 7 - 10 ngày. Nội dung kiểm tra tập trung ở
các vấn đề như: công tác bảo quản sữa, công tác quản lý, hồ sơ sổ sách, chấm sữa,
cấp phát sữa hằng ngày, tổ chức cho học sinh uống sữa theo định kỳ, uống sữa bù
(trẻ nghỉ học vào ngày uống sữa sẽ được uống bù vào ngày khác)…
Ngoài
ra, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT xây dựng kế hoạch kiểm
tra (thường xuyên, đột xuất) trong năm học nhằm chấn chỉnh kịp thời những hạn
chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án và thực hiện chế độ báo cáo định
kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, qua những đợt kiểm tra quy chế chuyên môn, thanh
tra chuyên ngành Sở GD-ĐT cũng kết hợp kiểm tra đề án “Sữa học đường” nhằm hạn
chế những hiện tượng tiêu cực, thất thoát sữa. Đồng Nai cũng yêu cầu đơn vị
trúng thầu cung cấp sữa phải thực hiện in logo chương trình “Sữa học đường” tỉnh
Đồng Nai trên các hộp sữa được cấp phát đến học sinh nhằm thuận tiện trong việc
theo dõi, quản lý.
Sau
hơn 4 năm thực hiện, việc tổ chức cho trẻ uống sữa đã đi vào nề nếp, các trẻ đã
quen và thích thú khi được uống sữa học đường, 100% trẻ uống sữa đều phát triển
thể lực tốt. Từ hiệu quả của đề án, Sở GD-ĐT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho
các địa phương hỗ trợ 35% kinh phí uống sữa (kinh phí do cha mẹ học sinh đóng
góp) đối với trẻ em dân tộc và trẻ em các hộ nghèo, khó khăn nhằm tạo điều kiện
cho tất cả trẻ em đều được thụ hưởng chương trình sữa học đường.
Phương Linh