Thông tư của Bộ Y tế quy định về đăng ký khám-chữa bệnh BHYT gây khó khăn cho BV y học cổ truyền
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh
Đồng Nai, hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nói chung trên địa bàn
tỉnh hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, trogn đó, ngoài vấn đề thiếu nhân lực, cơ sở
vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động
khám chữa, bệnh ở các tuyến, nhất là tuyến huyện, tuyến xã thì hiện vẫn còn nhiều
quy định bất cập như quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; đối với bác sĩ y
học cổ truyền không được cấp chứng chỉ hành nghề cho các chuyên khoa khác như:
phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh...; bác sĩ y học cổ truyền không có chứng
chỉ hành nghề thì không được bảo hiểm y tế thanh toán do đó, hoạt động khám chữa
bệnh bằng y học cổ truyền bị hạn chế rất nhiều. Do vậy, Tỷ lệ khám chữa bệnh y
học cổ truyền so với tổng số lần khám chung tại các tuyến như sau: tuyến tỉnh đạt
13%, tuyến huyện 16%, tuyến xã 25% (thấp hơn so với quy định của Bộ Y tế: tuyến
tỉnh 15%, tuyến huyện 20%, tuyến xã 40%).
Hiện nay, tại Đồng Nai, mạng
lưới khám, chữa bệnh y dược cổ truyền được bố trí từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đầu
ngành về chuyên môn có Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai với quy mô 200 giường
bệnh. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn trong hoạt động y dược cổ truyền, nên tỷ
lệ về khám chữa bệnh y học cổ truyền còn thấp.
Y học cổ truyền phát triển từ tỉnh đến cơ sở
Ông Phí Văn Hùng, ngụ ở phường
Trảng Dài, thành phố Biên Hòa cho biết, do mắc các bệnh xương khớp, trước đây,
ông vẫn qua Bệnh viện y học cổ truyền Đồng Nai để thực hiện vật lý trị liệu, phục
hồi chức năng hàng tháng. Dù đi trái tuyến nhưng mức chi trả không cao hơn đúng
tuyến nên ông Hùng cũng yên tâm được điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên từ khi có
thông tư mới của Bộ Y tế (Thông tư số
40/2015/TT-BYT ngày 16.11.2015 của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám-chữa bệnh bảo
hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám-chữa bệnh BHYT, có hiệu lực thi
hành từ 01/1/2016 ), muốn đến Bệnh viện Y học cổ truyền tiếp tục
điều trị, bệnh nhân phải chi trả 100%. Còn muốn xin chuyển tuyến thì vô cùng vất
vả. Theo các bệnh nhân sử dụng BHYT, việc xin giấy chuyển tuyến của nơi đăng ký
khám-chữa bệnh y tế ban đầu rất khó khăn. Thậm chí, có cơ sở y tế ban đầu có thể
không có bác sĩ chuyên khoa nhưng rất hạn chế chuyển bệnh nhân. Đó không chỉ là
khó khăn của bệnh viện y học cổ truyền mà còn là khó khăn của bệnh viện chuyện
khoa như bệnh viện da liễu.
Y học cổ truyền khám chữa bệnh nhân đạo
Trước tình hình trên, Sở Y tế
đã kiến nghị Bộ cho phép Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai được chuyển thành
tuyến huyện để tạo thuận lợi cho bệnh nhân được thông tuyến khám chữa bệnh; ban
hành quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn để thuận tiện hơn khi làm nghiệp
vụ, không phải bổ sung các chứng chỉ hành nghề như hiện nay. Sở cũng đề nghị Bộ
Y tế sớm triển khai Đề án quy hoạch vùng khai thác các loài dược liệu tự nhiên
và vùng trồng dược liệu có thế mạnh để các tỉnh, thành nằm trong vùng quy hoạch
bảo tồn và phát triển căn cứ xây dựng kế hoạch và hỗ trợ các địa phương về
chuyên môn kỹ thuật, kinh phí xây dựng và thực hiện kế hoạch. Bên cạnh đó, để tạo
điều kiện cho y học cổ truyền phát triển, tạo điều kiện để người dân chăm sóc sức
khỏe bằng y học cổ truyền, ngành y tế Đồng Nai cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác
tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin khác nhau đến người dân trên địa bàn tỉnh.
Diệu
Linh