Sản phẩm gà rừng của bà Đỗ Thị Xuân, thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) luôn "cháy hàng" trong mỗi dịp Tết.
Nhiều loại gà “đặc sản” phục vụ người tiêu dùng
Nắm bắt được nhu cầu sử
dụng sản phẩm thịt gà trong ngày Tết luôn tăng cao, đặc biệt là các loại gà
“đặc sản” như: gà Đông Tảo, gà rừng, gà thiến, gà ta thả vườn…nên nhiều chủ
trại tập trung chăm sóc, tăng đàn để “đón lõng” thị trường Tết.
Sau khi bán 3 thiên gà
lãi 100 triệu, gia đình ông Nguyễn Văn Thân, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư tăng đàn gà lên 4 thiên để kịp bán trong dịp Tết Nguyên đán
sắp tới. Ông Thân cho biết, với thời gian nuôi
khoảng 4 tháng, trọng lượng gà đạt từ 1,8 đến 2,5 kg/con. Nếu không gặp rủi ro gì, trừ các khoản chi phí với giá bán trên
thị trường 60-70
ngàn đồng/kg như hiện nay, lợi nhuận từ bán gà mang về khoảng 120
triệu đồng, gia đình ông sẽ có một khoán thu lớn để chi tiêu vào dịp Tết này.
Cũng giống ông
Thân, với kinh nghiệm 7 năm nuôi gà thả vườn, cứ dịp gần Tết, gia đình ông Trần
Văn Vĩnh, xã Sông Ray lại vệ sinh chuồng
trại, tập trung chăm sóc cho lứa gà tết để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Vì
theo ông Vĩnh, gà là loại vật nuôi không thể thiếu trong những ngày Tết nên nhu cầu người dân rất nhiều. Nếu chăm sóc đúng quy trình, cho ăn đảm
bảo, nâng cao chất lượng con gà thì sẽ rất đắt hàng.
Không chỉ tăng đàn gà nuôi thả vườn, nhiều hộ
tại huyện Cẩm Mỹ còn có “độc chiêu” nuôi gà trống thiến để bán dịp Tết. Năm nào
cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán cận kề, ông Trần Việt Hùng, xã Xuân Đông
lại vệ sinh chuồng trại, mua gà trống từ 1,8-2kg về đem thiến, chăm sóc đạt đủ
trọng lượng từ 3-3,5 kg để bán vào dịp Tết. Theo ông Hùng, nuôi gà trống thiến
đem lại hiệu qua kinh tế rất cao. Tuy nhiên, trong quá trình thiến nếu thiến
không chuẩn, có thể khiến gà không béo, thậm chí chết. Sau khi thiến xong phải
có chế độ chăm sóc đặc biệt, sử dụng các loại thuốc chống nhiễm trùng, bệnh hô
hấp, đường ruột... Ngoài ra, ông cũng phải trải rơm, đổ cát quanh sân chuồng,
để gà ăn có chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Năm nay, gia đình ông Hùng thiến
trên 1.000 con gà, thời gian nuôi khoảng 3 tháng với giá bán ổn định khoảng 100
ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông dự kiến sẽ thu về gần 200 triệu đồng
trong dịp Tết này.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Xuân, ngụ khu phố
Hiệp Thuận, thị trấn Định Quán, (huyện Định Quán) lại đi theo hướng riêng là
phát triển nghề nuôi gà rừng. Với đàn gà rừng thuần chủng khoảng 200 con bố mẹ,
mỗi năm, gia đình bà Xuân xuất bán ra thị trường khoảng 700 con. “Gà rừng được
bán với giá từ 700-800 ngàn đồng/con, riêng gà có dáng đẹp, lông mượt được bán
với giá từ 1,5-2 triệu đồng/con. Đặc biệt trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, người
mua đã gọi điện đặt hàng từ vài tháng trước”, bà Xuân chia sẻ.
Người trồng hoa tại làng hoa Quang Trung (huyện Thống Nhất) cũng đang tất bật chăm sóc vụ hoa Tết.
Không chỉ bán cho khách hàng trực tiếp đến
trại, bà Xuân tổ chức bán gà qua mạng. Do đó, gà rừng ở trại bà Xuân cũng đã
“bay” đến nhiều tỉnh thành phía Bắc như: Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nội,... “Gà
rừng hiện nay vẫn là hàng “độc” và luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Nhiều
người chuyển tiền đặt cọc trước mà tôi không có gà để giao. Cứ dịp ra năm, thời
tiết thuận lợi, gà rừng đẻ ấp nở được nhiều là khách tới hỏi mua nườm nượp”, bà
Xuân vui vẻ nói.
Hoa Tết “thấp thỏm” vì thời tiết
Thời tiết thất thường, mưa
nhiều trong khoảng thời gian đầu sau khi xuống giống và trời khá lạnh trong
giai đoạn cây hoa chuẩn bị kết nụ khiến người trồng hoa trong tỉnh hết sức
“thấp thỏm” và lo âu về vụ hoa Tết.
Theo các hộ trồng hoa trong
tỉnh, với kiểu thời tiết này sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh các loại nấm bệnh gây hại cho cây hoa. Tại huyện Thống Nhất, nơi
nổi tiếng với 2 làng hoa truyền thống phục vụ dịp Tết Nguyên đán là làng hoa
Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3) và làng hoa Quang Trung (xã Quang Trung), nông dân vẫn
đang tất bật với công việc chăm sóc hoa để cho ra thị trường những trậu hoa đẹp
nhất phục vụ người tiêu dùng.
Theo Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, vụ hoa Tết Nguyên đán 2018 này, làng hoa xã Gia Tân 3 xuống giống khoảng 20 hécta và xã Quang Trung khoảng 6
hécta. Các loại hoa trồng chủ yếu là: cúc, vạn
thọ, mào gà, cẩm chướng... trong đó, cúc pha lê được trồng nhiều nhất.
Trong khi đó, tại làng trồng hoa dưới chân núi Chứa Chan, huyện Xuân
Lộc, đến thời điểm này khi mà những cơn mưa cuối mùa vẫn còn xuất hiện,
người trồng hoa cũng ngày đêm lo lắng cho vườn hoa của mình trong những ngày
sắp tới đây.
Cũng
như những hộ trồng hoa khác, năm nay gia đình ông Nguyễn
Văn Sanh, ngụ ấp Trung Sơn (xã Xuân
Trường) xuống giống 4 sào hoa huệ và hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, năm nay có nhiều yếu tố bất lợi mang đến
cho người trồng hoa. Bởi không chỉ hoa phải xuống giống muộn hơn mọi năm khiến
rất dễ bị sâu bệnh gây hại mà giá giống hiện nay cũng cao hơn mọi năm sẽ làm
người trồng hoa hết sức lo lắng.
Trồng hoa cần
sự khéo léo, tỉ mỉ hơn những loại cây trồng khác, làm sao
chăm sóc để hoa nở đúng thời vụ lại càng khó hơn. Theo các nhà vườn, để hoa nở đúng dịp Tết, ngoài
việc xuống giống đúng quy trình kỹ thuật thì người trồng hoa phải có kinh
nghiệm trong việc xử lý đất và bón phân hợp lý. Đặc biệt,
trong điều kiện thời tiết lạnh hơn như năm nay, đòi hỏi các nhà vườn phải có
kinh nghiệm xử lý để cây hoa phát triển bình thường.
Do bất lợi từ thời tiết, sản lượng bưởi Tân Triều dự kiến giảm khoảng 30-40%. Riêng nông dân Ngô Văn Sơn vẫn cho ra thị trường dòng sản phẩm bưởi hồ lô với nhiều mẫu mã.
Hy vọng, với sự kỳ công chăm
sóc cần mẫn, cùng với kinh nghiệm xử lý của những chủ vườn nhiều năm gắn bó với
vụ hoa Tết, cây hoa sẽ kịp khoe sắc đúng dịp Tết đến Xuân về, giúp bà con có
thêm nguồn thu nhập dịp cuối năm, đón Tết cổ truyền ấm no, hạn phúc và mang đến
cho người tiêu dùng những trậu hoa đẹp nhất.
Bưởi Tân Triều dự
báo sẽ tăng giá
Theo nhiều nhà vườn tại vùng bưởi Tân Triều,
xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, vụ bưởi Tết năm nay, năng suất bưởi có giảm khoảng
30-40% do ảnh hưởng của tình trạng mưa kéo dài thời gian qua. Do đó, theo dự
báo, dịp Tết Nguyên đán 2018, mặt hàng này sẽ khan hiếm. Ông Ngô Văn Sơn, xã
viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Triều cho biết, năm nay do có thêm 1
tháng nhuận nên giai đoạn làm bông đối với bưởi Tết chậm hơn 1 tháng so với mọi
năm. Theo đó, vào tháng 8 vừa qua, các nhà vườn mới bắt đầu làm bông đối với
bưởi Tết (hằng năm thường bắt đầu vào thời điểm cuối tháng 6 đầu tháng 7). Tuy
nhiên, do thời điểm này diễn ra mưa kéo dài nên lượng bông bị rụng nhiều, ảnh
hưởng đến năng suất vườn bưởi. Nhiều trái bưởi non khi gặp mưa liên tiếp đã
rụng hàng loạt.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2017, vùng bưởi Tân
Triều cung cấp khoảng 100 tấn bưởi ra thị trường. Năm nay, theo dự báo sản
lượng này sẽ giảm khoảng 30-40% và giá bán có thể tăng 5-10%. Dịp Tết Nguyên đán
2017, giá 1 chục bưởi (12 quả) đường lá cam dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng;
bưởi da xanh dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/chục. “Giá bưởi tại vườn có khả
năng chỉ tăng nhẹ từ 50.000 - 100.000 đồng/chục, bởi hiện chúng tôi chủ yếu bán
cho thương lái nên khó có thể tăng giá cao được. Tuy nhiên, các thương lái có
thể lấy lý do khan hàng để nâng giá khi bán cho người tiêu dùng”, ông Sơn cho
biết.
Cũng theo ông Sơn, ngoài dòng bưởi thông
thường, năm nay anh vẫn tiếp tục cho ra thị trường dòng bưởi hồ lô, với số
lượng khoảng 400 trái. “Phần lớn bưởi hồ lô được làm do khách hàng đặt mua từ
trước để làm quà biếu hoặc trưng Tết. Năm nay tôi tiếp tục làm bưởi hồ lô hình
thỏi vàng và hình bản đồ Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng. Giá bưởi hồ lô
cũng không có nhiều biến động so với năm ngoái. Một quả bưởi hồ lô giá khoảng 1
triệu đồng; cặp “Tài - Lộc” khoảng 2,5 triệu đồng; chùm 3trái “Lộc - Phát -
Tài” khoảng 5 triệu đồng; chùm 4 trái “Tứ - Quý - Tài - Lộc” có giá
khoảng 12 triệu đồng. Riêng cặp bản đồ năm nay dự kiến khoảng10 triệu đồng và
bản đồ có chữ dự kiến 12 đến 15 triệu đồng”, anh Sơn chia sẻ.
Thanh Cảnh