Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26/12
Báo cáo tại
hội nghị tổng kết công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai năm
2017 cho biết, trong năm 2017, các chỉ tiêu cơ bản về dân số đã đạt nghị quyết
đề ra, chất lượng dân số được cải thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã
hội của tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ giảm sinh đạt 13,31%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt
0,97%; tỷ lệ giới tính khi sinh đạt 107,8 bé trai/100 bé gái... phần lớn các chỉ
tiêu đều vượt chỉ tiêu Trung ương và Tỉnh ủy giao; các dịch vụ dân số - Kế hoạch
hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.
Tuy vậy,
trong thời gian qua cũng như thời gian tới, công tác dân số vẫn còn nhiều khó
khăn thách thức trong đó, mức sinh giảm nhưng chưa thực sự ổn định; các xã vùng
sâu vùng xa tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao, trong năm 2017, toàn tỉnh có hơn
2.000 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, chiếm 5,1% số trẻ sinh ra trong năm.
Bên cạnh đó, tình trạng mang thai ngoài ý muốn nhất là trong đối tượng công
nhân tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ vẫn xảy ra. Tỷ lệ mất cân bằng giới
tính khi sinh giảm nhưng chưa bền vững. Một vấn đề của dân số đang
được quan tâm hiện nay ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng chính là xu
hướng già hóa dân số ngày càng tăng.
Đối mặt với tình trạng già hóa dân số
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế
hoạch hóa gia đình tỉnh Trần Phương Hoa, Đồng Nai bước vào giai đoạn già hóa
dân số từ năm 2011 đến nay. Tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số, trong đó
người trên 65 tuổi chiếm đến 7% dân số. Xu hướng dân số già hiện nay là do tuổi
thọ ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ngày càng giảm. Nếu
như năm 2001, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,38% thì năm 2008 là 1,83%, năm
2016 chỉ còn 0,97%. Hiện nay nhận thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng
như ý thức tham gia kế hoạch hóa gia đình ở phụ nữ trong tỉnh rất được chú
trọng. Mặc dù chưa đến mức báo động, nhưng thực tế phụ nữ ở cả thành thị lẫn
nông thôn đang có xu hướng sinh ít con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Đồng Nai hiện rất
thấp.
Chất lượng dân số cũng cần
quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Dù tuổi thọ của người cao
tuổi trong tỉnh có tăng nhưng nhiều người cao tuổi vẫn phải đối diện với tình
trạng ốm đau, bệnh tật, nhất là những bệnh mãn tính không lây nhiễm, với thời
gian điều trị bệnh liên tục, tốn kém. Trong đó, người cao tuổi thường đối diện
với nhiều nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh phổ biến như: tăng huyết áp,
thiếu máu cơ tim cục bộ, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo
đường... Mỗi người có từ một đến nhiều bệnh mãn tính cùng lúc, ảnh hưởng lớn
đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Đẩy mạnh tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản
Tại hội nghị
tổng kết công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp yêu cầu các sở ngành địa phương tiếp tục phát huy những
kết quả đạt được, tìm ra nguyên nhân, có giải pháp khắc phục hạn chế của công
tác dân số hiện nay. Trước hết cần tập trung ổn định bộ máy nhân lực từ tỉnh đến
cơ sở. Không ngừng nâng cao hiệu quả của các chương trình, đề án về dân số,
chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công
tác truyền thông vận động về dân số kế hoạch hóa gia đình bằng nhiều hình thức,
phương thức. Chú trọng việc lồng ghép tuyên truyền về dân số- kế hoạch hóa gia
đình trong các chương trình, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính
trị xã hội, tập trung hướng về cơ sở, có kế hoạch tuyên truyền vận động cho đội
ngũ công nhân lao động, nhất là người lao động trong độ tuổi sinh đẻ, chăm sóc
sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Diệu Linh