Chủ nhiệm Dự án thẩm định thực tế tiến độ dự án.
Phát triển cây bưởi da xanh theo hướng an toàn
Mấy năm trở lại
đây, nhờ đầu ra ổn định, nhu cầu của thị trường lớn và hiệu quả kinh tế mang
lại khá cao, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Trảng Bom đã mạnh dạn chuyển đổi
các diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp như cây cà phê, hồ tiêu và một số
cây trồng khác sang trồng cây bưởi da xanh. Trong đó, các xã trồng bưởi da xanh tập
trung với diện tích lớn là Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo…
Mặc dù bước đầu các nhà vườn trồng bưởi da xanh cho
thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác. Tuy nhiên, do phát
triển một cách tự phát, chạy theo phong trào nên bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là
vấn đề sản xuất an toàn. Nhiều hộ còn thiếu kinh nghiệm canh tác, sản
phẩm bưởi chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên khâu tiêu thụ còn
gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh thị trường yếu. Bên cạnh đó, khâu liên kết giữa
các nông hộ chưa được thực hiện, nên sản phẩm làm ra dễ bị thư thương ép giá.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Trảng Bom phối hợp với Sở Khoa
học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững
triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất
bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản
phẩm ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai”. Mục tiêu của dự án là giúp các nhà vườn
tăng năng suất và chất lượng cây bưởi, thay đổi tập quán sản xuất,
hướng sản xuất theo quy trình sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu
quả kinh tế và tạo uy tín trên thị trường, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để
tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hiệu quả
tích cực từ Dự án
Là 1 trong 9 hộ tham gia Dự án, ông Ngô Thái Thọ, ấp Cây Điều, xã
Bàu Hàm chi sẻ: “Nhà tôi có 03 ha bưởi da xanh tham gia dự án. Trước đây khi
chưa sản xuất theo quy trình VietGAP, mình chưa nắm được các kỹ thuật về chăm
sóc, sử dụng phân bón, còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên năng suất và
chất lượng bưởi chưa cao. Khi tham gia mô hình, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn
chi tiết quy trình kỹ thuật, ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón hợp lý
hiệu quả, nên năng suất và chất lượng trái bưởi nâng lên rõ rệt.”
9 hộ tham gia Dự án được cấp chứng nhận VietGAP.
Thạc
sỹ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền
vững (Chủ nhiệm Dự án), cho biết để áp dụng quy trình công nghệ sản xuất an
toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, ngoài việc tuân thủ các quy định về quy trình kỹ
thuật trong canh tác thì các nhà vườn tham gia dự án còn phải biết cách sử dụng
các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Đặc biệt là phải tăng cường sử
dụng các loại phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để
bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, các hộ
đã tuân thủ rất tốt các quy định về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là áp dụng tổng hợp các
biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, nhờ đó hiệu quả kinh tế của các mô hình
thuộc dự án đã tăng lên khá cao.
Cụ thể, đối với vườn bưởi 6 năm tuổi, số
trái trên cây ở vườn mô hình đạt trung bình 59 trái/cây/năm, so với vườn đối
chứng chỉ đạt 45 trái/cây/năm; năng suất trung bình ở vườn mô hình đạt 22,6 tấn/ha/năm, trong khi vườn đối chứng chỉ đạt 18,7 tấn/ha/năm. Đối với vườn bưởi mô
hình 8 năm tuổi, số trái trên cây đạt
trung bình 70 trái/cây/năm, so với vườn đối chứng chỉ đạt 53 trái/cây/năm; năng suất trung bình ở vườn mô hình đạt 28,8 tấn/ha/năm, trong khi vườn đối chứng chỉ đạt
23,2 tấn/ha/năm. Nhờ đó. lợi nhuận thu được từ vườn mô hình 6 năm tuổi so với
vườn đối chứng tăng 41,84% và tăng 46,58% ở vườn bưởi 8 năm tuổi.
“Đặc biệt, nhờ sử dụng các loại phân
bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, nên các mẫu trái bưởi da xanh khi đem đi phân tích
đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có chì và dư lượng thuốc bảo vệ thực
vật”, Thạc sỹ Vũ Mạnh Hà chia
sẻ.
Cũng theo thạc sỹ Vũ Mạnh Hà, điều quan trọng là các nhà
vườn tham gia mô hình đã nhận thức được tầm quan trọng khi sản xuất bưởi da
xanh theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiệt tình tham gia. Qua phân tích hiệu quả
kinh tế cho thấy, áp dụng quy trình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn
VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cách mà các nhà vườn địa phương
đang áp dụng hiện nay. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng rất quan trọng là thay đổi
được nhận thức của các nhà vườn tham gia mô hình về các biện pháp canh tác cây
bưởi da xanh, nâng cao được kỹ năng quản lý vườn cây để sản xuất theo quy trình
sạch và an toàn.
Ngày 23-7, Trung tâm Nghiên cứu
và Phát triển nông nghiệp bền vững phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ,
UBND huyện Trảng Bom tổ chức Hội thảo và lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho
sản phẩm bửi da xanh của HTX bưởi Trường Phát, huyện Trảng Bom. 9 hộ tham gia
dự án được được Công ty CP Giám định và Khử trùng
FFC (TP.Hồ Chí Minh) cấp giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 20,6 ha.
|
Lê Văn