Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
 

Nội dung

 
Nâng cao năng suất lao động: Doanh nghiệp phải là động lực chính   15-08-2019
Đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

Đó là nhóm giải pháp cho khu vực doanh nghiệp- một trong ba nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy năng suất lao động (NSLĐ) được đề cập tại hội nghị Cải thiện NSLĐ quốc gia vừa được tổ chức mới đây.

 

NSLĐ của Việt Nam hiện đang được đánh giá là thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực. 

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò khá quan trọng vào tăng NSLĐ, nhưng đóng góp của yếu tố này đang có xu hướng giảm, chỉ đạt 39% trong giai đoạn 2011-2017 so với mức 54% của giai đoạn 2000-2010. Tăng NSLĐ sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng NSLĐ nội ngành, nhưng đến nay chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp, làm cho mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được.

Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP cho nên NSLĐ của doanh nghiệp là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới NSLĐ của quốc gia. Tuy nhiên, khu vực DN chưa thật sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, NSLĐ chung của toàn khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức NSLĐ chung cả nước. Trong đó, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp nhà nước cao gấp 7,3 lần mức NSLĐ chung; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gấp 3,5 lần; doanh nghiệp ngoài nhà nước gấp 2,5 lần. Chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước nhưng NSLĐ của doanh nghiệp ngoài nhà nước ở mức thấp nhất nên ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Do đó, trong các giải pháp nâng cao NSLĐ, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng NSLĐ với các sản phẩm mới, công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp tạo liên kết chặt chẽ với khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa; cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng NSLĐ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tập trung đào tạo kỹ năng, đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả… TCTK cũng đề xuất Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ; phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng NSLĐ, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Từ kinh nghiệm thành công của các nước có NSLĐ cao trên thế giới, ông Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, dựa trên các trụ cột khoa học, công nghệ và ĐMST là động lực chính để tạo sự bứt phá về NSLĐ và tăng trưởng bền vững. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch này là nâng cao NSLĐ cho DN vừa và nhỏ; tăng năng suất và năng lực cạnh tranh cho DN lớn trong nước; thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng chuyển dịch sang công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; phát triển KH-CN và ĐMST trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

 

 Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp phát biểu tại hội nghị cái thiện NSLĐ quốc gia.

Tại Việt Nam, với Chương trình nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp do Bộ KH&CN chủ trì đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả về thực hành tốt cải thiện, nâng cao năng suất lao động.

Mô hình của Tổng công ty Đức Giang (DUGARCO) và 05 doanh nghiệp thành viên áp dụng Mô hình sản xuất tinh gọn: Quá trình triển khai dự án áp dụng Mô hình sản xuất tinh gọn tại Tổng công ty Đức Giang đã hình thành góp phần nâng cao năng suất lao động bình quân từ 8-10% và giảm tỷ lệ hàng lỗi trên dây chuyền từ 15 – 25% xuống 10 – 12%, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của khách hàng. Giảm lãng phí góp phần giảm giá thành sản xuất, giảm thời gian chuyển đổi mã hàng trong điều kiện sản xuất đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng ngắn. Đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của Tổng công ty và các công ty thành viên.

Mô hình của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương (thương hiệu Canifa) tiên phong đổi mới công nghệ: Năm 2011, công ty đưa ra chiến lược “tiên phong về công nghệ”. Công ty đầu tư 5 dây chuyền công nghệ dệt của Nhật để thử nghiệm. Khi kết quả thử nghiệm cho thấy năng suất cao hơn, thông số kỹ thuật ổn định hơn, công ty mới quyết định đầu tư hàng loạt. Với máy dệt kéo tay, 1 công nhân vận hành 1 máy; máy dệt bán tự động, 2 công nhân vận hành 3 máy và đến năm 2013, khi công ty đã đầu tư toàn bộ sang máy dệt tự động thì 1 công nhân vận hành 8 máy, theo đó năng suất lao động đã tăng lên gấp 8 lần.

Mô hình của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đổi mới công nghệ và áp dụng công cụ cải tiến năng suất: Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về sản xuất các sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng và phích nước. Trở thành một trong ít doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đèn LED bài bản, phát triển hệ thống và giải pháp chiếu sáng xanh, là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Áp dụng công cụ Lean six sigma tại Rạng Đông (dây truyền lắp ráp LED), với việc thực hiện cân bằng chuyền, giảm lãng phí, chế tạo các dụng cụ, gá, thay đổi thiết kế và tự động hóa một số thiết bị lắp ráp, bao gói… năng suất lao động của dây chuyền điểm tăng 59%, giá trị mang lại gần 1 tỷ đồng/năm. Mô hình này được nhân rộng sang các dây chuyền khác trong ngành, năng suất lao động tăng từ 10 – 20% của toàn ngành.

 

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN)

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
 

THÔNG BÁO

 
 

Thủ tục hành chính

 
 

Hình ảnh hoạt động

 
Video clip
  • Ứng dụng công nghệ đèn LED trong sản xuất đạt hiệu quả cao
  • Đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan làm việc với Công ty Công nghệ sinh học Vạn Bảo Lộc
  • Đồng Nai là tỉnh đầu tiên được đo hàm lượng vàng
  • Công bố chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh
  • Hội thảo nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
  • Hội nghị cán bộ công chức và triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2015
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 2
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 1
  • Nhiều trạm xăng dầu sử dụng công nghệ cao gắn chíp qua mắt người tiêu dùng và các cơ quan chức năng
  • Ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Okayama (Nhật Bản)

  • Hình ảnh liên kết
    Liên kết website trong tỉnh
    Liên kết website các tỉnh
    Lượt truy cập