Sản phẩm chiếc máy tác hạt bắp
của em Vũ Duy Hải, Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Định Quán
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã tiếp thêm động lực, khơi dậy tiềm năng, tư duy sáng tạo của tuổi trẻ, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi cấp huyện đã thu nhận được 1.109 giải pháp dự thi ở 5 lĩnh vực: Phần mềm tin học; Đồ dùng dành cho học tập; Sản phẩm thân thiện với môi trường; Các giải pháp khoa học kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; Dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em.
Bằng trí tưởng tượng phong phú và sức sáng tạo, các em đã biết tận dụng những đồ phế liệu hay các vật liệu đơn giản, tự nhiên sẵn có để chế tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Khi tách hạt bắp cùng gia đình bằng phương pháp thủ công thấy vất vả và mỏi tay, em Vũ Duy Hải, Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Định Quán đã nảy sinh ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy tách hạt bắp để tăng năng suất làm việc và giúp người nông dân đỡ vất vả hơn.
Chiếc máy có cấu tạo gồm có trục quay, trên trục quay có gắn những hàng đinh sắt được sắp xếp so le với nhau để tách hạt bắp. Động cơ có công suất 0,37kw, O,5 HP là 1.400 vòng/phút. Em Hải cho biết, khi cắm điện và bật công tắc, động cơ điện sẽ hoạt động, bán dẫn gắn với động cơ sẽ quay, dây culoa truyền chuyển động lên bánh bị dẫn và làm bánh bị dẫn cũng quay theo. Khi ta bỏ bắp vào phễu đựng bắp, đường dẫn sẽ chuyển trái bắp vào bên trong. Trái bắp va chạm với các đinh ốc được gắn sẵn trên trục quay làm cho hạt bắp được tách ra khỏi cùi. Cùi bắp sẽ chuyển ra ngoài, còn hạt bắp sẽ qua quá trình sàng lọc để loại bỏ các hạt lép. Những hạt lép được nghiền nát để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Công suất của máy tác hạt bắp đạt 300kg hạt/giờ và hạt bắp không bị bể.
Nhóm tác giả giới thiệu về chiếc máy rũ phân cút
Công đoạn rũ phân cút là công đoạn gây ái ngại và nặng nhọc nhất cho người nuôi chim cút bởi chuồng nuôi chim cút được thiết kế nhiều tầng và tấm bạt lót rất dài nên việc rũ phân cút không dễ dàng. Để giúp người nuôi chim cút đỡ vất vả hơn, nhóm học sinh Sầm Đức Anh, Âu Quốc Cường, Trần Vũ Nhật Hào, Đặng Hoài Ân thuộc Câu lạc bộ ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông (Trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom) đã nảy sinh ý tưởng thiết kế một chiếc máy hỗ trợ rũ phân cút.
Máy được làm bằng khung thép để phù hợp với đặc tính chịu lực và có cấu tạo gồm: bộ chuyển động sử dụng động cơ điện, bộ chuyển động xích được gắn vào trục chủ động để kéo phân nhằm làm giảm ma sát và tách phân ra khỏi lưới, bộ trục bị động để kéo lưới vào máng phân, bộ phận gạt phân. Khi lưới được kéo đến bộ trục bị động, lưới di chuyển qua máng phân để tránh việc phân bị rớt ra ngoài, rồi đi qua một khe gạt phân để gạt sạch phân trước khi về trục chủ động để gỡ lưới ra.
Đây là giải pháp được Ban tổ chức đánh giá là giải pháp có tính sáng tạo nhất của cuộc thi năm nay.
Ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, dựa trên kết quả chấm thi, năm nay, Ban tổ chức thống nhất trao 66 giải thưởng gồm: 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba, 30 giải khuyến khích. Trong 30 giải khuyến khích có 2 giải phụ là Thí sinh nhỏ tuổi, có ý tưởng sáng tạo và Giải pháp có ý tưởng sáng tạo nhất cuộc thi. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã lựa chọn được 36 mô hình, sản phẩm tiêu biểu, có ý tưởng sáng tạo, khả năng áp dụng trong thực tế phù hợp với khả năng tư duy sáng tạo của lứa tuổi các em tham gia vòng thi cấp Quốc gia.
Ông Vy Văn Vũ nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức cuộc thi đã tạo ra sân chơi lành mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút được đông đảo các em thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh tham gia. Tại đây, các em có điều kiện được giao lưu, học hỏi các kỹ năng thuyết trình, được rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin trong các cuộc thi nói riêng và trong cuộc sống nói chung, phát huy tính sáng tạo trong các em học sinh, làm nền tảng cho hành trình làm chủ đất nước sau này.
L.Hương