Mô hình trồng rau thủy canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Hiệu quả từ nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ
cao
Với quỹ đất hạn chế, chỉ vào khoảng
500m2, thế nhưng anh Nguyễn Ngọc Quý (27
tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa) đã
xây dựng thành công mô hình trồng nấm theo hướng ững dụng công nghệ cao. Hiện
tại, trại nấm rơm của anh với 6 nhà trồng nấm đã đáp ứng tốt việc “gối đầu”,
đảm bảo có hàng cung cấp liên tục cho bạn hàng khoảng 400 - 500kg nấm
rơm/tháng. Ngoài trồng nấm rơm, trại nấm của anh còn trồng nấm linh chi dược
liệu. Hiện mô hình trồng nấm của anh Quý đã được Hội Nông dân TP. Biên Hòa hỗ
trợ xây dựng mô hình sản xuất sạch theo hướng VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc
phát triển nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao không cần nhiều
diện tích đất, song hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với phương thức
canh tác truyền thống. Trong đó, trồng rau theo phương pháp thủy canh là một ví
dụ.
Năm 2017, sau thời gian mày mò, tìm hiểu công
nghệ trồng rau thủy canh, anh Cao Chu Tuấn, ngụ tại khu phố 4, P.Trảng Dài,
TP.Biên Hòa bắt đầu phát triển trang trại rau thủy canh FARM Nhiệt đới trên diện tích 3.000 m2
và trồng các loại rau như: rau muống, xà lách, cải xanh, cải ngọt, rau dền… Với
diện tích như trên, mỗi tháng trang trại rau thủy canh FARM Nhiệt đới của anh Tuấn xuất bán ra
thị trường khoảng 9 tấn rau các loại.
Toàn
bộ hệ thống trồng rau thủy canh được áp dụng theo công nghệ Israel, trong đó các thiết bị,
ống máng, công thức dinh dưỡng phục vụ trồng rau thủy canh đều được nhập khẩu từ
Israel. Sau khi hoàn thiện hệ thống trồng rau thủy canh, việc vận hành khá đơn
giản, hầu như tất cả các khâu đều tự động hóa, chỉ có riêng khâu ươm gieo hạt
giống và đưa cây giống vào khay là mới phải làm thủ công. Chính vì thế, trên diện
tích trang trại 3.000 m2 như hiện tại, anh Tuấn chỉ cần 2 công nhân
tổ chức vận hành.
Với tiềm năng lớn của vùng Tây Nam, việc phát triển các mô
hình cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái vườn cũng là một trong những hướng
đi để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thời gian qua, Nhà nước đang có nhiều chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tập thể và cá nhân hộ nông dân tham gia đầu
tư và sản xuất mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, như những chính sách
hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông
sản, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong sản
xuất; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã….Điểm chung của các
chính sách này là khi doanh nghiệp, nông dân tham gia sẽ nhận được nhiều sự hỗ
trợ về vốn, kết cấu hạ tầng, đầu tư khoa học kĩ thuật…
Nâng cao giá trị sản xuất trên đơn
vị diện tích
Để phát
triển nông nghiệp bền vững ở các địa phương thuộc vùng Tây Nam tỉnh, ngày
02/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc phê duyệt
thực hiện Đề án “Phát
triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030”.
Theo đề án, vùng Tây Nam của tỉnh thuộc phạm vi thực hiện đề án gồm 2 thành
phố Biên Hòa và Long Khánh; các huyện Long Thành, Nhơn Trạch,
Trảng Bom, Thống Nhất và một phần huyện Vĩnh Cửu.
Mục tiêu của đề án là phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình,
phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao,
ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu
ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô
thị kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm
sản xuất ra theo hướng sạch. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và mức độ an
toàn của sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến
và quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp đô thị còn góp
phần cải thiện cảnh quan đô thị, ổn định môi trường sinh thái.
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2020, đưa giá trị sản xuất bình
quân/ha đất nông nghiệp của vùng đạt từ 230 - 240 triệu đồng/ha tăng lên mức
290 - 300 triệu đồng/ha vào năm 2025 và đạt mức từ 350 - 360 triệu đồng/ha vào
năm 2030. GRDP bình quân đầu người trong vùng đạt 130 - 140 triệu đồng/năm vào
năm 2020, tăng lên mức 200 - 210 triệu đồng/năm vào năm 2025 và đạt mức 270 -
280 triệu đồng/năm vào năm 2030.
Theo đề án, vùng nông nghiệp đô
thị Tây Nam Đồng Nai sẽ hình thành các vùng rau sạch, rau an toàn, ứng dụng
công nghệ cao. Ổn định diện tích cây ăn trái khoảng 22 ngàn hécta; củng cố, xây
dựng nhãn hiệu hàng hóa; phát triển thêm chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây
ăn trái đặc sản kết hợp với mô hình du lịch sinh thái vườn. Phát triển các loại
hình chăn nuôi, thủy sản ít gây ô nhiễm môi trường ở khu vực ven đô nơi mật độ
dân cư thấp…
Minh
Thư