Liên kết với doanh nghiệp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp
* Những kết quả nổi bật
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, qua 3,5 năm thực hiện Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 đa số các chỉ tiêu đảm bảo tiến độ thực hiện, ước đến năm 2020 có 25/36 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra.
Bà Trần Thị Ái Liên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, bên cạnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực ưu tiên, Chương trình cũng đã tăng cường bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi nhiệm vụ, công vụ theo yêu cầu vị trí việc làm và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao của tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 nói riêng. Thông qua Chương trình, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 302.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động được đào tạo, bồi dưỡng.
Cụ thể, đối với nhân lực lao động nghề qua đào tạo, trong hơn 3 năm qua, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao được đầu tư đồng bộ và có hiệu quả. So với giai đoạn trước (2011-2015) chất lượng đào tạo nghề được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tăng dần theo từng năm, dự kiến đến năm 2020 là 65%, tăng 10%; trong đó, số học viên đào tạo từ trung cấp trở lên ước thực hiện đến năm 2020 đạt 25%, tăng 9,88%.
Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, số lượng được đào tạo nghề chất lượng cao theo chuẩn khu vực và quốc tế mặc dù chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch nhưng tăng mạnh so với giai đoạn trước. Nếu giai đoạn 2011-2015 đào tạo được 225 người, thì giai đoạn 2016-2020 ước đào tạo được 730 người. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Đối với nhân lực thể thao, văn hóa, nghệ thuật, qua đào tạo đã bổ sung kịp thời đội ngũ nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể thao. Riêng lĩnh vực thể thao đã tập trung vào những môn thế mạnh và trọng điểm, các chuyên gia, huấn luyện viên và vận động viên có cơ hội được tập huấn tại các đơn vị có phong trào thể thao phát triển mạnh, được tham gia tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, từ đó nâng cao được trình độ chuyên môn, tâm lý thi đấu và kỹ chiến thuật trong thi đấu. Thành tích nổi bật tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, Đồng Nai đạt 17 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 26 huy chương đồng, xếp thứ 11/65 tỉnh, thành, ngành tham dự, tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng so với giai đoạn trước.
Cùng với đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hầu hết đạt chuẩn theo quy định, chất lượng đội ngũ được nâng lên đáng kể về kiến thức chuyên môn và kỹ năng hành chính, nhất là tăng mạnh trình độ đại học, sau đại học và giảm trình độ trung cấp trở xuống. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tính đến tháng 12/2018, đội ngũ CBCC tỉnh, huyện có trình độ sau đại học chiếm 18,7%, vượt 12,5 % so với quy hoạch nhân lực tỉnh Đồng Nai đến năm 2020; trên 98,2% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn theo quy định, tăng 10% so với giai đoạn trước; đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp công lập có trình độ từ đại học trở lên chiếm 61,52% ; đội ngũ giáo viên, giảng viên bậc cao đẳng có trình độ thạc sĩ chiếm 54,7%, vượt 13,7 % so với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020; bậc đại học có trình độ tiến sĩ chiếm 4,68%, thạc sĩ 66,94%.
Về thực hiện chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành y tế, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ khẳng định, thông qua chương trình đào tạo và chính sách thu hút đã bổ sung nguồn nhân lực cho ngành y tế. Đến nay, đội ngũ viên chức ngành y tế có trình độ đại học trở lên chiếm 52% (2846 người), tăng 27,6% người so với giai đoạn trước, nâng tỷ lệ 8,2% bác sỹ/10.000 dân. Đội ngũ cán bộ được cử đào tạo, bồi dưỡng về làm việc được bố trí công tác đúng với sở trường, chuyên môn được đào tạo, phát huy tốt năng lực, kinh nghiệm và kiến thức lĩnh hội, triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh nhân.
Giáo dục nghề nghiệp phù hợp với công nghệ sản xuất ngày càng đổi mới
* Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016-2020 còn 09/36 chỉ tiêu chưa đạt. Đối với Mục tiêu 1 (đào tạo lao động nghề), đào tạo công nhân kỹ thuật theo chuẩn khu vực và quốc tế và đào tạo nghề trình độ trung cấp trở lên chưa đạt. Theo đơn vị chủ nhiệm chương trình, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân là do chương trình chất lượng cao đòi hỏi năng lực đầu vào của học sinh phổ thông phải có học lực từ trung bình khá trở lên, trong đó có trình độ ngoại ngữ, nên số học sinh tham gia chương trình còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hiện nay số lượng lao động qua đào tạo nghề nghiệp có trình độ cao đẳng, trung cấp đã tăng đều theo từng năm, tuy nhiên chiếm tỷ lệ chưa cao, không đủ cung ứng cho nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia học nghề chưa đạt hiệu quả. Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chặt chẽ và đồng bộ trong quá trình triển khai tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chưa có các quy định để doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia.
Đối với Mục tiêu 2, hiện nay, cơ quan chủ trì là Sở Khoa học và Công nghệ tập trung công tác theo dõi, quản lý số học viên tham gia Chương trình 2. Đối với các học viên tham gia chương trình từ 2018 trở về trước có số lượng quá lớn nên công tác quản lý cũng gặp khó khăn. Nhiều học viên sẵn sàng đền bù chi phí đào tạo để được làm việc ở môi trường với mức lương và phát triển tốt hơn.
Chỉ tiêu đào tạo học sinh năng khiếu nghệ thuật ngành âm nhạc và múa thuộc Mục tiêu 3 cũng chưa đạt là bởi đào tạo nghệ thuật biểu diễn có tính chuyên biệt, có tính đào thải cao trong quá trình đào tạo; việc tổ chức cho chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên đi tập huấn ở nước ngoài còn hạn chế do kinh phí hạn hẹp. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ hỗ trợ trong huấn luyện chuyên môn chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý công tác ở vùng dân tộc chưa thực hiện bởi chưa có giáo viên dạy các thứ Tiếng K’Ho, Stiêng, Tiếng Nùng.
Về nguyên nhân chỉ tiêu đào tạo đại học cho sinh viên y, dược theo địa chỉ sử dụng chưa đạt, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, do chỉ tiêu đào tạo đại học chính quy theo địa chỉ sử dụng do phụ thuộc vào chỉ tiêu phân bổ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, do một số đơn vị thiếu bác sĩ làm việc nên việc cử cán bộ đi đào tạo chuyên khoa II còn hạn chế; một số bác sĩ đã cao tuổi, một số còn trẻ tuổi chưa đủ thâm niên chuyên môn để cử đi học, một số khác có nguyện vọng đi học song khó khăn do phải tự túc kinh phí đào tạo, đơn vị không hỗ trợ được. Một số viên chức sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lại xin điều chuyển đến đơn vị khác hoặc thôi việc gây nên tình trạng thiếu đội ngũ bác sỹ tại các đơn vị đang có nhu cầu.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch, mục tiêu Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016-2020 đề ra trong thời gian tới, Sở Nội vụ đã đề nghị những ngành được giao chủ trì từng mục tiêu tiếp tục khẩn trương xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Tăng cường công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cải tiến hệ thống quản lý chất lượng; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề để phục vụ công tác giáo dục nghề nghiệp phù hợp với công nghệ sản xuất ngày càng đổi mới. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp nghề.
Đồng thời tuyên truyền phổ biến rộng rãi chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành theo yêu cầu vị trí việc làm. Tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ sử dụng.
Tại cuộc rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu của chương trình Ðào tạo, phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhấn mạnh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành được giao phụ trách chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải rà soát lại các kết quả đào tạo, chất lượng, hiểu quả sử dụng lao động sau đào tạo..., sớm có tổng hợp, đánh giá đúng tình hình công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đưa ra phương hướng nhằm thực hiện tốt chương trình trong giai đoạn tiếp theo.
P.Hương