Mô hình trong ngành giáo dục dự thi Chương trình 6 năm 2018.
Điểm độc đáo của các hội thi, giải thưởng khoa học kỹ thuật do Sở KH&CN tổ chức đó là cách đánh giá giải pháp để trao giải. Theo đó mỗi giải pháp đoạt giải đều phải trải qua nhiều vòng đánh giá về nhiều khía cạnh như: thể hiện rõ nét tầm ứng dụng vào thực tiễn, thể hiện tính mới, tính sáng tạo. Từ đó phải chứng minh được khả năng áp dụng thực tiễn thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất thử... Hiệu quả kỹ thuật thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với kỹ thuật đã biết trước đó. Bên cạnh đó, là xét về hiệu quả xã hội như cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, đây là điều kiện cọ xát cần thiết để giảng viên, sinh viên và người nghiên cứu có cơ hội trau dồi thêm tay nghề, đồng thời khuyến khích khả năng tìm tòi, tìm ra cái mới để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng ứng dụng, mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn lao động sản xuất.
Những năm qua, một trong những đơn vị có số lượng giải pháp tham gia các phong trào, hội thi sáng tạo kỹ thuật nhiều nhất là trường đại học Lạc Hồng. Theo TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đối với trường đại học Lạc Hồng, bên cạnh việc ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo thì lãnh đạo nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, và có những đầu tư, khích lệ thích đáng để hoạt động này thật sự đi vào chiều sâu, đạt chất lượng tốt. Phong trào nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên đã mang về cho nhà trường không ít giải thưởng của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các giải thưởng quốc tế và đặc biệt là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai. Nhiều đề tài mang tính thực tiễn cao được chuyển giao cho các công ty và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực đem lại giá trị hàng tỷ đồng. Tính đến năm 2017, trường đại học Lạc Hồng đã có 13 giải nhất, 21 giải nhì, 29 giải ba và 56 giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai.
Đại diện lãnh đạo tỉnh trao giải thưởng cho các thí sinh đạt giải cao Chương trình 6 năm 2018.
Còn tại trường đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU), hội thi sáng tạo kỹ thuật và giải thưởng KH&CN cũng đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong tập thể đội ngũ giảng viên, sinh viên toàn trường. Đặc biệt, từ năm 2017, trên cơ sở Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai do Sở KH&CN tổ chức, nhà trường đã cải tiến, xây dựng Hội thi sáng tạo kỹ thuật DNTU. Từ đó đến nay, đây là hoạt động thường niên được tổ chức với mục đích giúp sinh viên trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết trong hoạt động sáng tạo KH&CN. Đồng thời tạo dựng môi trường học thuật qua đó thúc đẩy niềm đam mê, nuôi dưỡng sáng tạo của sinh viên và là vòng tuyển chọn ban đầu để lựa chọn giải pháp khả thi tham gia cấp tỉnh. Nhiều đề tài nghiên cứu từ phong trào này của nhà trường đã được chuyển giao cho doanh nghiệp và mang lại hiệu quả trong thực tiễn sản xuất, như: Máy hàn siêu âm dạng đứng đa năng; Bộ dụng cụ, máy móc phục vụ đề tài khai thác dầu từ hạt chùm ngây; Mô hình máy sấy khay…
Theo đánh giá của Sở KH&CN tỉnh, với sự quan tâm triển khai sâu rộng và tuyên truyền về những giải pháp đạt giải cao đến mọi tầng lớp nhân dân, thời gian qua, không chỉ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật mà Chương trình “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập” (Gọi tắt là Chương trình 6) cũng đã trở thành sân chơi sáng tạo cho đông đảo giáo viên, sinh viên, học sinh, nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia sáng tạo. Từ năm 2017 đến nay, các hội thi, chương trình này đã tập hợp được 860 giải pháp tham gia dự thi, trong đó đánh giá và lựa chọn được 149 giải pháp có tính mới, khả năng áp dụng thực tế mang lại hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và xã hội. Bên cạnh thành phố Biên Hòa, thì các địa phương như huyện Long Thành, thành phố Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu là những đơn vị có sự quan tâm và thường xuyên tham gia phong trào với nhiều giải pháp tham gia dự thi. Ngoài giải pháp trong lĩnh vực giáo dục, nâng cao hiệu quả giảng dạy từ cấp mầm non đến đại học, thì còn có các lĩnh vực: Cơ điện - Điện tử, Nông nghiệp, Quản lý nhà nước, Y dược và Hóa học với giải pháp là những mô hình, thiết bị kỹ thuật, máy móc được nghiên cứu, chế tạo thực nghiệm và ứng dụng vào thực tế thành công.
Ban giám khảo đánh giá giải pháp dự thi Chương trình 6 năm 2018.
Trong năm 2019, Chương trình 6 tiếp tục kiện toàn, tiếp nhận các giải pháp tham gia dự thi mở rộng trên nhiều lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải, vật liệu, hóa chất, năng lượng, nông – lâm – ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghệ sinh học, y dược, giáo dục đào tạo…
Đặc biệt, nhằm khuyến khích hơn nữa các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia nhiều hơn phong trào hội thi, giải thưởng sáng tạo, Sở KH&CN đã cải tiến, nâng chất phong trào này. Cụ thể, áp dụng Thông tư số 03/2019/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến, Sở KH&CN đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi cho hoạt động sáng kiến, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trình cấp thẩm quyền và được thông qua tại kỳ họp lần thứ 10 của HĐND tỉnh (Khoá IX) với nhiều nội dung được cải tiến so với trước đây. Theo đó, từ năm 2019, giá trị giải thưởng giành cho các tập thể, cá nhân đạt giải Nhất trong Chương trình 6 là 25 triệu đồng, giải nhì là 20 triệu đồng, giải ba là 15 triệu đồng, giải khuyến khích là 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn có Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động, giấy khen, cúp và hoa của Ban chủ nhiệm Chương trình. Giải pháp đạt giải còn có khả năng được Sở KH&CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng…).
Ông Đoàn Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở KH&CN cho biết, việc cải tiến cơ cấu, giá trị giải thưởng trong hội thi, giải thưởng KH&CN là một hình thức động viên, khuyến khích cụ thể, kịp thời tinh thần sáng tạo của những cá nhân, tập thể nhằm tạo các sản phẩm sáng tạo cải thiện năng suất chất lượng. Sáng tạo kỹ thuật là hoạt động đặc thù, do đó mức giải thưởng cao là sự bù đắp hoàn toàn xứng đáng cho những suy nghĩ, trăn trở của những cá nhân, tập thể đã dày công nghiên cứu, đánh đổi vật chất lẫn tinh thần để tìm ra giải pháp thiết thực, hiệu quả, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai.
Đỗ Quyên