Kiểm tra tính hợp quy về nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm tại doanh nghiệp sản xuất cám trên địa bàn tỉnh.
* Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ông Đoàn Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở KH&CN cho hay, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực KH&CN là nhiệm vụ được Đảng ủy, lãnh đạo Sở chú trọng thực hiện. Đặc biệt, quán triệt chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 18, 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Sở đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, sáp nhập 8 phòng chuyên môn ban đầu thành 4 phòng chuyên môn; đồng thời thực hiện điều động, sắp xếp nhân sự phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được sáp nhập từ 3 trung tâm xuống còn 1 đơn vị. Hệ thống quản lý nhà nước về KH&CN của tỉnh tiếp tục duy trì có hiệu quả.
Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 28 tổ chức KH&CN đã được Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN. Trong đó có 18 tổ chức KH&CN công lập và 10 tổ chức KH&CN ngoài công lập, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y - dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội và khoa học nhân văn… Về cơ bản, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhưng nếu so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai có các tổ chức khoa học và phát triển công nghệ khá đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được xây dựng và trang bị theo hướng hiện đại; đội ngũ nhân lực của các tổ chức nói trên đã được đào tạo có đủ năng lực đảm bảo cho tổ chức hoạt động bình thường. Các tổ chức này cũng có thể tiếp cận các công nghệ mới khi tổ chức nhập mới công nghệ, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN cho biết thêm.
Điểm nổi bật trong kết quả hoạt động KH&CN tỉnh Đồng Nai những năm qua còn thể hiện qua việc triển khai nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực mà Sở thực hiện. Sau thành công của giai đoạn 2011- 2015, Sở tiếp tục xây dựng kế hoạch và quy chế thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực khoa KH&CN trình độ cao, chất lượng cao giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu là tập trung đào tạo đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ giỏi về trình độ chuyên môn và hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu của tỉnh còn thiếu như kỹ thuật điện, điện tử, truyền thông, xây dựng, tự động hóa, công nghệ vật liệu, khoa học nông nghiệp, khoa học pháp lý,…Đào tạo nguồn nhân lực giỏi về trình độ chuyên môn đồng thời được tiếp cận với thực tế nhằm vận dụng tốt những kiến thức lĩnh hội trong quá trình học tập. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút nhân tài về phục vụ cho địa phương và đặc biệt là để củng cố tình cảm, niềm tin, gắn bó với quê hương đất nước, với địa phương. Với những giải pháp phù hợp, đến nay, chương trình thu hút 123 hồ sơ đăng ký tham gia trong đó có 13 hồ sơ tiến sỹ, và 110 hồ sơ thạc sỹ. UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định phê duyệt 51 ứng viên đủ điều kiện (gồm 02 ứng viên đào tạo bậc tiến sỹ, 49 ứng viên đào tạo bậc thạc sỹ).
Giai đoạn 2017-2019, hoạt động quản lý, nghiên cứu triển khai và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Nai tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Sở tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ để giải quyết, bảo đảm mang lại hiệu quả thiết thực các chương trình khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ và các hướng công nghệ ưu tiên phù hợp với Đồng Nai: công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học và công nghệ môi trường. Xây dựng những đề tài nghiên cứu sâu hơn về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, dân tộc, tôn giáo nhằm xác lập những luận cứ khoa học, thực tiễn cho những quyết định, chủ trương của lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Đặc biệt, hầu hết kết quả khoa học nghiên cứu của các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đều được đưa vào ứng dụng và với mức độ khác nhau và đã đem lại những hiệu quả nhất định đã tạo ra được những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, cải tiến các kỹ thuật thâm canh, bảo vệ các loài động, thực vật có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế, phát triển của ngành dịch vụ nông nghiệp góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân. Sở cũng đã đặt hàng và ký kết hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ 30 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh; Triển khai 42 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp huyện, cấp ngành theo cơ chế hỗ trợ kinh phí 50/50 và 70/30. Từ các đề tài nghiên cứu, Sở KH&CN thực hiện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 12 sản phẩm hàng hóa.
* Chú trọng công tác quản lý trên các lĩnh vực công nghệ
Song song đó, để đáp ứng nhu cầu của một tỉnh có nền công nghiệp phát triển với hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động, lãnh đạo Sở luôn luôn xác định, đảm bảo thực thi chính sách, quy định pháp luật nhà nước về công nghệ, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ… đúng, đầy đủ là vấn đề cần được quan tâm. Hàng năm, các phòng chuyên môn của Sở KH&CN đã phối hợp với đơn vị đào tạo an toàn bức xạ (được Cục An toàn bức xạ cấp phép) tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cập nhật kiến thức và những quy định pháp luật về an toàn bức xạ cho các nhân viên, quản lý bức xạ tại các cơ sở có sử dụng thiết bị trên địa bàn tỉnh; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân phù hợp với thực tế với tình huống. Thực hiện phổ biến các quy định pháp luật về an toàn bức xạ và hạt nhân lồng ghép trong công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định cấp phép tiến hành công việc bức xạ, in tờ rơi về tác hại bức xạ và các quy định pháp luật về an toàn bức xạ phát cho các cơ sở bức xạ nhằm tác động ý thức tuân thủ pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng, quản lý các thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ. Biên soạn và phát hành 500 tài liệu giới thiệu về hệ thống quản lý, công cụ năng suất giải thưởng chất lượng, tiêu chuẩn hóa, sở hữu trí tuệ, tiết kiệm năng lượng nhằm phổ biến các quy định về pháp luật, hướng dẫn cho các doanh nghiệp cập nhật các kiến thức về KH&CN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong 3 năm qua, Sở hỗ trợ đăng ký cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó gồm: 18 sáng chế, 15 giải pháp hữu ích, 119 kiểu dáng công nghiệp và 1386 nhãn hiệu hàng hóa. Theo thống kê kết quả từ Cục Sở hữu trí tuệ đã có 4 sáng chế, 4 giải pháp hữu ích, 110 kiểu dáng công nghiệp, 742 nhãn hiệu hàng hóa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao trên nhiều lĩnh vực như tạo giống cây trồng năng suất cao trong nông nghiệp; trong công nghiệp, y tế thì ứng dụng để đo độ dầy màng phim, tìm khuyết tật trên bo mạch điện tử..; sản xuất chế phẩm polymer tan trong nước, chịu mặn và chịu nhiệt độ cao phục vụ cho ngành dầu khí, những kỹ thuật đánh dấu trong khảo sát mỏ dầu, nghiên cứu sử dụng thêm các chất đánh dấu hóa học, chất đánh dấu tự nhiên bên cạnh các chất đánh giá phóng xạ, xây dựng các phương pháp đánh dấu đa pha cho công nghệ khảo sát chẩn đoán các quá trình công nghiệp…
Đối với các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ngày càng tiếp cận với máy móc, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Việc tiếp cận với các thông tin, chính sách của nhà nước đối với doanh nghiệp ngày càng dễ dàng và kịp thời hơn. Nhất là các chính sách về KH&CN được chú trọng hướng tới hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ được ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, tài trợ vốn để nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Sở KH&CN tổ chức hội nghị tập huấn về an toàn bức xạ cho cán bộ, nhân viên các cơ sở sử dụng thiết bị có nguồn bức xạ trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&CN, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua vẫn còn hạn chế nhất định. Trong đó, thị trường KH&CN ở Đồng Nai chỉ mới ở mức hình thành, chưa tạo được môi trường cho thị trường phát triển. Giữa nghiên cứu ứng dụng và triển khai ra diện rộng còn có khoảng cách nhất định. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa chú ý đúng mức và chưa sử dụng thành quả KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Trình độ công nghệ các doanh nghiệp trong nước còn thấp, chất lượng các sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập sâu như hiện nay. Doanh nghiệp KH&CN gặp khó trong việc lập thủ tục miễn giảm tiền thuê đất cũng như các chính sách hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ KH&CN.
Trong quá trình thực hiện chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020, nhận thấy các doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức đầy đủ về công tác bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hóa và trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Khả năng tiếp cận và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế do nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề cải tiến năng suất. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do quy mô hoạt động còn thu hẹp nên chưa quan tâm tìm hiểu các thông tin về chương trình hỗ trợ của tỉnh; tiến độ thực hiện theo nội dung đăng ký không đáp ứng theo cam kết thực hiện của doanh nghiệp...
Để khắc phục những hạn chế trên, làm cho KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển, trong thời gian tới, ngành KH&CN sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN phát triển sản xuất (nhất là với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, của vùng) trong đó tập trung hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng thị trường KH&CN; Đầu tư và thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống.
Đỗ Quyên