Sinh viên Trường cao đẳng Quốc tế Lilama 2 tham gia thuyết trình dự án
Đến
với cuộc thi, nhiều dự án đã bước đầu ghi nhận những thành công nhất định, tạo
động lực cho các bạn trẻ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, mở rộng sản xuất, kinh
doanh. “Dự án xe năng lượng mặt trời” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Tân, Lê
Phương Trường, Nguyễn Cường Phi đến từ Trường Đại học Lạc Hồng đã được biết đến
từ những năm trước với thành công tại nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế. Đến
với Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhóm tác giả nhấn mạnh đến tính ưu
việt của sản phẩm xe năng lượng mặt trời, khả năng cạnh tranh với đối thủ cùng
dòng trên thị trường cũng như lợi nhuận mang lại khi tung sản phẩm này ra kinh
doanh trên thị trường. Hiện, sản phẩm đã chuyển giao thành công cho đơn vị đầu
tiên là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh BÌnh Phước. Theo anh Nguyễn Cường Phi, địa
diện nhóm tác giả “ Chúng tôi đã tiến hành phân tích thị trường dựa trên những
ưu điểm vượt trội của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh cùng loại. Theo đó, loại
xe năng lượng mặt trời nhóm chúng tôi nghiên cứu có tuổi thọ từ 10-15 năm, cao
hơn nhiều so với nhóm xe điện thông thường (khoảng 3 năm), có thể tích hợp chức
năng giải trí hoặc chức năng khác tùy chủ sở hữu chọn, và sản phẩm có tính năng
hỗ trợ lái khi được lắp kết hợp camera lùi.
Và đặc biệt, xe có thể sử dụng liên tục khi trời nắng và sử dụng thêm từ
3-6 tiếng sau khi tắt nắng, trong khi dòng xe điện thông thường chỉ có thể sử dụng
được 3 tiếng và không thể sử dụng thêm khi hết điện. Dự án “xe năng lượng mặt
trời” được ban giám khảo đánh giá cao và được chọn là 1 trong 15 dự án xuất sắc
tranh tài ở vòng thi chung kết.
Dự án “KOLA ZONE chuỗi các sản phẩm từ cây rau má” nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Ban Giám khảo
Hay
dự án “Sử dụng phương pháp vật lý thay cho phương pháp hóa học trong sản xuất
chả lụa” là một trong những dự án thành công của nhóm tác giả Trần Thị Hà,
Trương Lâm Huy Vũ và Nguyễn Thành Công (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai). Sản
phẩm chả lụa sạch được làm theo phương pháo nghiên cứu của nhóm hiện đã tung ra
thị trường gần 3 năm, tạo được niềm tin và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai”, tác giả Trần Thị Hà
cho biết “Chúng tôi đến với cuộc thi vì mong muốn có thể giới thiệu được cho
nhiều người biết đến một sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Chúng tôi không
chỉ mong muốn bán được thêm nhiều sản phẩm mà quan trọng hơn, chúng tôi muốn
cung cấp thêm cho người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho bữa cơm
hàng ngày.
Cuộc
thi cũng ghi nhận thêm nhiều dự án bước đầu đã khởi nghiệp thành công, với các
dòng sản phẩm đa dạng ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp, y học…hiện đã có mặt trên thị trường và giành được nhiều điểm cộng
trong lòng khách hàng như: nước uống sạch – bổ dưỡng cacao Đồng Nai của tác giả
Trần Việt Cường; nhà nuôi chim yến từng phần trong quá trình phát triển bầy
chim yến bằng vật liệu compozit của tác giả Nguyễn Văn Anh, nuôi trồng đông
trùng hạ thảo phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm của nhóm tác giả Đào Phan
Thoại, Nguyễn Văn Quý, Trần Thị Hà, Nguyễn Thành Công...
Đến
với cuộc thi, có không ít dự án đã ghi dấu thành công trong cộng đòng xã hội,
tuy vậy, chính cuộc thi cũng lần đầu ghi dấu với những dự án, ước mơ mới còn
“trên giấy”, “trong phòng thí nghiệm” hay có thể cũng chỉ là ý nghĩ mới chỉ được
“vẽ” ra “trong đầu”. Tuy vậy, cuộc thi cũng vừa là sân chơi nhưng cũng là động
lực và là nơi thí sinh có được những nhận xét, đóng góp thiết thực để viết tiếp
những ý tưởng sáng tạo ấy. Dự án “Xây dựng quy trình sản xuất hạt gel siêu hấp
thụ nước từ Natri Acrylat và bột bã mía bằng kỹ thuật bức xạ GAMMA CO – 60 để ứng
dụng làm chất giữ ẩm cho cây trồng” của tác giả Nguyễn Thị Hạnh (Sở Khoa học và
Công nghệ tỉnh Đồng Nai) nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực từ hội đồng
giám khảo cuộc thi. Theo tác giả Nguyễn Thị Hạnh, dự án mới chỉ dừng lại ở quy
mô phòng thí nghiệm. Theo tính toán của tác giả, tổng chi phí để sản xuất ra
1kg hạt Gel siêu hấp thụ nước là khoảng 70 ngàn đồng. Đây là sản phẩm có tính
ưu việt cao, nhất là đối với những vùng nông nghiệp thiếu nước, khô hạn. Đặc biệt,
đối với những loại cây trồng khác nhau, người dân có thể phối kết hợp với các
loại phân bón để gia tăng hiệu quả chăm sóc cây trồng. Theo hội đồng giám khảo,
đây là sản phẩm có nhiều lợi thế khi phát triển để cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, ở quy mô sản xuất lớn hơn, tác giả cần tính toán kỹ chi phí cho các
khâu xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, vận chuyển khối lượng lớn đến trung
tâm chiếu xạ hoặc tính toán kho, bãi để dự trữ nguồn nguyên liệu cho sản xuất
hàng loạt…
Hay
Dự án “KOLA ZONE chuỗi các sản phẩm từ cây rau má” của nhóm tác giả Ngọc Hiền,
Hải Ngân, Thúy Hồng, Võ Văn Duy và Lý Lê Tường Vy với các sản phẩm thiên nhiên
chiết xuất từ cây rau má. Theo hội đồng giám khảo, dự án có tính cộng đồng với
việc mang những sản phẩm thiên nhiên phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của
con người. Tuy nhiên, để đảm bảo các thành phần hoàn toàn vô hại và không gây ảnh
hưởng lên sức khỏe người dùng thì nhóm tác giả cần tiến hành và công bố kiểm
nghiệm thành phần cũng như tính năng của sản phẩm.
Mỗi
thí sinh tham gia cuộc thi với một mục đích khác nhau, vừa để giao lưu, học hỏi
kinh nghiệm khởi nghiệp, vừa để giới thiệu đến cuộc thi những sản phẩm sáng tạo
của mình, cũng có thể tham gia cuộc thi để thử sức mình, mong muốn tạo nền tảng
để phát triển rộng hơn dự án của mình ra cộng đồng... Tuy vậy, mỗi dự án, sản
phẩm, ý tưởng mà thí sinh mang đến cho cuộc thi đều mang một giá trị khác nhau,
khơi dậy được tinh thần đổi mới, sáng tạo, khuyến khích được nhiều ngành, lĩnh
vực tham gia, qua đó thúc đẩy được tinh thần chung về khởi nghiệp – đổi mới
sáng tạo hiện nay.
Diệu Linh