Mô hình mô phỏng giả lập các tín hiệu giao thông
Giải pháp “Nghiên cứu ứng dụng xỉ thép lò điện hồ quang (EAFS) để loại bỏ phốt pho hòa tan trong nước thải chế biến thủy sản” của nhóm giảng viên: Phan Thị Phẩm, Phan Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Trọng Anh (Ðại học Lạc Hồng) là một trong 3 giải pháp đạt giải nhì của Hội thi (không có giải nhất). Tác giả Nguyễn Trọng Anh cho biết: “Qua nhiều lần hợp tác trong đào tạo và sử dụng nhân lực giữa khoa và các doanh nghiệp, lần đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu giải pháp nhằm đưa ra được các thông số ảnh hưởng đến quá trình loại bỏ phốt pho hòa tan trong nước thải. Ðồng thời đánh giá được tính ổn định và tái sử dụng xỉ thép vào các công trình xử lý nước thải chế biến thủy sản, góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường”.
Với hiệu quả thiết thực mang lại, giải pháp đã được Công ty Envico xem xét triển khai ứng dụng vào dự án chế biến thủy sản tại Cam Lâm (Khánh Hòa) và Công ty Envat xử lý nước thải trang trại chăn nuôi heo, một số loại nước thải có hàm lượng phốt pho cao ở Ðồng Nai và các tỉnh lân cận. Theo nhóm tác giả, ngoài ý nghĩa khoa học, giải pháp này còn có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, đảm bảo xử lý nước thải tốt hơn, giá rẻ hơn so với các loại than hoạt tính, hạt nhựa Polyme và ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường, nhất là các loại nước thải có độ pH cao…
Nhắm đến các ứng dụng phục vụ sản xuất trong ngành thực phẩm, nhóm tác giả: Hoàng Thị Trang, Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thị Liệu, giảng viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D vào ngành thực phẩm, cụ thể là dùng bột ca cao làm ra thanh kẹo Chocolate với biên dạng bất kỳ được thiết kế trên mô hình 3D.
Chiếc máy này được phối hợp các linh kiện và chế tạo đầu in để in các sản phẩm kẹo chocolate mẫu đẹp mà không qua giai đoạn làm khuôn. Máy rất nhỏ gọn, thích hợp cho các hoạt động của phòng thí nghiệm hoặc giảng dạy môn học liên quan trong các cơ sở đào tạo kỹ thuật. Sản phẩm máy in 3D đã được Công ty TNHH KIMMYCHOCOLATE đặt hàng nghiên cứu chuyển giao.
Để tạo sắc thái tích cực hóa hoạt động dạy học về vấn đề giao thông dễ dàng, sinh động và trực quan hóa các hoạt động giao thông trên đường bộ, làm trẻ hứng thú học, thầy giáo Nguyễn Thanh Phương cùng các học sinh Sầm Đức Anh, Đặng Hoàng Ân, Trần Anh Tài, trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom đã sáng tạo mô hình giao thông thông minh hỗ trợ dạy trẻ mầm non và tiểu học tương tác với giao thông đường bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh trao giải cho các tác giả đạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2019
Tác giả Nguyễn Thanh Phương cho hay, mô hình mô phỏng giả lập các tín hiệu giao thông thực tế một cách thông minh, trực quan qua biển báo giao thông, trạng thái đèn điều khiển giao thông, quy định làn đường, tín hiệu giao thông tại nút giao lộ một cách thực tế nhất. Đây là một sản phẩm hỗ trợ tương tác trực tiếp với trẻ qua các trạng thái giao thông thực tế được mô phỏng qua việc điều khiển, xử lý tín hiệu nhờ bộ xử lý trung tâm adruno, rowle, timer, các cảm biến…để định hình cho trẻ một số hành vi giao thông qua các giả định tình huống giao thông mà thiết bị đem lại. Nhờ vậy mà trẻ có nhận thức đúng đắn các quy định giao thông đầy đủ nhất.
Ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, Ban tổ chức Hội thi cho biết, thực tế cho thấy sau khi bước ra từ các cuộc thi, hội thi, nhiều giải pháp nghiên cứu khoa học của các tầng lớp nhân dân đã được ứng dụng vào quá trình lao động sản xuất, giảng dạy, học tập, mang lại năng suất lao động và tính kinh tế cao. Do đó, Ban tổ chức các cuộc thi sẽ liên tục phát động để nhiều người cùng tham gia hơn nữa. Đặc biệt, Ban tổ chức hướng tới những đối tượng mà lâu nay tham gia các cuộc thi còn hạn chế, đó là đội ngũ công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. “Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai đã, đang và sẽ là sân chơi trí tuệ dành cho tất cả mọi người, trở thành cầu nối để bắt nhịp cho những ý tưởng sáng tạo đi vào thực tế” – ông Vy Văn Vũ nhẫn mạnh.
P.Hương