Lực lượng thanh tra Sở KH&CN kiểm tra thiết bị bức xạ trong doanh nghiệp khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Theo chuyên gia của Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố, chất phóng xạ từ lâu đã được con người biết đến và sử dụng ngày càng phổ biến. Các hạt và các tia phát ra từ sự phân rã phóng xạ hoặc từ các thiết bị phát bức xạ có đủ năng lượng để bứt các điện tử khỏi các nguyên tử, phân tử và gây ra sự ion hóa môi trường vật chất mà chúng đi qua gọi là tia phóng xạ hay bức xạ ion hóa. Các tia sử dụng phổ biến gồm: Alpha(α), Beta (β-), Gamma (γ), Positron (β+), X – ray (X), Nơtron (N). Phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (đất đai, khí hậu, ánh nắng…) và nhân tạo.
Cuộc sống càng phát triển, chất phóng xạ được ứng dụng sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người. Trong công nghiệp, chất phóng xạ hoạt độ cao được ứng dụng để sản xuất thiết bị di động, kiểm tra vật liệu cũng như kiểm tra mối hàn trong công nghiệp hóa dầu. Nguồn phóng xạ hoạt độ trung bình trong công nghiệp sử dụng kiểm soát chất lượng, đo mức chất lỏng, đo độ dày (phim, giấy), đo độ ẩm, đo tỷ trọng chất lỏng; sử dụng trong thiết bị thăm dò dầu mỏ, than đá, khí ga. Trong lĩnh vực y tế, nguồn phóng xạ được dùng chiếu xạ, trong các thiết bị cố định phục vụ cho hoạt động nghiên cứu y khoa, chiếu các sản phẩm y tế, chiếu xạ máu; dùng trong xạ trị, điều trị các căn bệnh ung thư; xạ trị đa chùm tia, sử dụng bức xạ Gamma để chụp cắt lớp (CT) hoặc phẫu thuật, sử dụng tia X-quang chụp chiếu làm cơ sở điều trị bệnh…. Trong nông nghiệp, ứng dụng chiếu xạ kiểm soát chất lượng nông sản, thủy sản, tạo giống cây trồng mới…
Kiểm tra mức độ ảnh hưởng của chất phóng xạ trong chương trình diễn tập.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, chất phóng xạ nhân tạo nếu rò rỉ ra bên ngoài thiết bị, khi vô tình tiếp xúc phải sẽ gây tác hại rất lớn tới cơ thể con người, nó có khả năng phá hủy cơ thể ở cấp độ tế bào. Phóng xạ sẽ làm hư hại phân tử AND. Các tế bào có AND bị hư hại sẽ chết đi hoặc diễn ra quá trình sửa chữa. Khi đó những sai lầm trong quá trình sửa chữa tự nhiên cũng có thể xảy ra, dẫn đến sự hình thành của các tế bào ung thư. Ở các cấp độ khác nhau, cơ thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng khác nhau. Tùy mức độ, liều lượng tiếp xúc mà phóng xạ có thể gây tử vong ngay lập tức hoặc dẫn đến ung thư da, phổi, tim, máu, tiêu hóa, tuyến giáp… Vì vậy, việc nâng cao ý thức trong công tác quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ là vô cùng cần thiết.
Tại Đồng Nai, thống kê toàn tỉnh hiện nay đang có rất nhiều cơ sở sử dụng thiết bị có nguồn phóng xạ trong đó lĩnh vực y tế có trên 200 thiết bị bức xạ; trong lĩnh vực công nghiệp có trên 100 thiết bị bức xạ và trên 85 nguồn phóng xạ. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 01 cơ sở y học hạt nhân đang hoạt động đó là Khoa Y học Hạt nhân thuộc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác và 01 cơ sở đang xây dựng là Bệnh viện Đại học Y dược Singmark. Thời gian vừa qua, Sở KH&CN tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn bức xạ (ATBX) trên địa bàn. Tiêu biểu như tập huấn, đào tạo, phổ biến các quy định pháp luật về ATBX và hạt nhân; cung cấp tài liệu, tờ rơi về tác hại bức xạ và các quy định pháp luật về an toàn bức xạ phát cho các cơ sở bức xạ nhằm tác động ý thức tuân thủ pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng, quản lý các thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ. Trong 3 năm qua, Sở cũng thực hiện công tác cấp thẩm định và cấp giấy phép hoạt động cho 209 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn bức xạ, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho 56 nhân viên phụ trách an toàn bức xạ cho các cơ sở bức xạ y tế/năm; thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở, cá nhân... Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn chưa thể kiểm soát hết nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố bức xạ và hạt nhân có thể ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Nhất là các nguồn phóng xạ có trong tự nhiên như phế liệu thép, máy móc đã qua sử dụng, chất thải...
Tổ chức tập huấn cho thành viên Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trong chương trình diễn tập.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, kỹ thuật bức xạ và hạt nhân ngày càng sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ và nhất là có những biện pháp phòng tránh, chuẩn bị ứng phó và ứng phó thích hợp thì sẽ rất khó khăn cho công tác xử lý khi xảy ra sự cố. Vì vậy, việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị về công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác phó khi có sự cố xảy ra. Thông qua nội dung diễn tập bao gồm đánh giá, xử lý các tình huống, sự cố xảy ra rò rỉ bức xạ và hạt nhân trong quá trình sản xuất, lao động giúp các cơ quan quản lý rút ra bài học kinh nghiệm để bổ sung, điều chỉnh, cập nhật kiến thức ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế và quy định pháp luật hiện hành, góp phần hoàn thiện kế hoạch trong những năm tiếp theo.
Đỗ Quyên