Lực lượng vũ trang (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tham gia chương trình diễn tập.
Chương trình cho Sở KH&CN chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố (Cục An toàn và bức xạ hạt nhân) tổ chức thực hiện, diễn ra ngày 19 – 9 – 2019 tại Trung tâm Tổ chức hội nghị và sự kiện tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH&CN, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh chấp thuận và thông qua kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2019, để chuẩn bị cho công tác diễn tập diễn ra thuận lợi, đem lại hiệu quả cao nhất, Sở KH&CN với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ huy đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị nội dung, phương tiện, nhân lực; đồng thời tổ chức đào tạo kiến thức, diễn tập với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Kịch bản diễn tập được xây dựng đảm bảo theo đúng quy định của Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh đã được Bộ KH&CN phê duyệt; sát với yêu cầu, tình hình thực tế và tình huống có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Chương trình diễn tập diễn ra với tình huống sự cố giả định là trong quá trình làm việc, nhân viên làm đổ, vỡ thiết bị chứa phóng xạ khiến nguồn phóng xạ thoát ra ngoài môi trường. Cụ thể, tại khoa Y, bệnh viện Đa khoa D có nhập 5Ci chất phóng xạ I – 131 dạng lỏng, dùng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Do không nắm vững quy trình tác nghiệp, trong quá trình tiến hành chia liều thuốc tại kho dược chất phóng xạ, nhân viên A đã làm đổ, vỡ bình đựng thuốc xuống nền kho. Khi thực hiện xử lý các mảnh vỡ, nhân viên A vô ý làm bị thương ở tay và ngoài ra còn làm một số đồ vật trong phòng bị nhiễm xạ. Sau đó, nhân viên A rời khỏi hiện trường và sang khu vực điều trị để tiến hành băng bó vết thương.
Lực lượng chuyên trách tiến hành thu gom, xử lý vật chất nhiễm xạ tại hiện trường.
Nửa giờ sau đó, nhân viên B vô tình đi ngang hiện trường và phát hiện ra sự cố; đồng thời cũng bị dính chất phóng xạ vào người do chất phóng xạ bị đổ tràn trên nền của kho dược chất phóng xạ. Ngay lập tức, nhân viên B gọi điện cho cán bộ phụ trách an toàn bức xạ của bệnh viện thông báo về sự cố trên; đồng thời đứng cảnh giới tại cửa kho, không cho bất kỳ ai tiếp cận khu vực đã nhiễm bẩn phóng xạ. Sau khi xác minh sự cố xảy ra tại kho dược chất phóng xạ nhưng do chưa biết rõ nguyên nhân cũng như mức độ nguy hại ảnh hưởng nên cán bộ phụ trách an toàn bức xạ đã xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, liên hệ Sở KH&CN tỉnh cùng công an địa phương hỗ trợ ứng phó sự cố trên.
Nhận được tin báo, lãnh đạo Sở KH&CN đã phối hợp cùng các thành viên Ban chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh huy động lực lượng và đưa ra phương án giải quyết sự cố. Trong đó, Sở KH&CN cử cán bộ chuyên môn phụ trách ATBX đến hiện trường, sử dụng thiết bị chuyên dùng kiểm tra, đo lường liều lượng phát tán chất phóng xạ trong môi trường, vật chất chứa chất phóng xạ tại kho dược. Sau đó, lực lượng vũ trang tiến hành thu gom mảnh vỡ, dụng cụ dính chất phóng xạ, xử lý môi trường; lực lượng y tế thực hiện phương án sơ cứu, xử lý phù hợp với các nhân viên y tế bị nhiễm xạ trong thời gian xảy ra sự cố.
Các đại biểu theo dõi chương trình diễn tập tại Trung tâm tổ chức hội nghị và sự kiện tỉnh.
Đánh giá kết quả thực hiện diễn tập, bà Nguyễn Thị Hoàng nhận định, mặc dù vẫn còn một vài điểm hạn chế song chương trình diễn tập đã được tổ chức đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, an toàn, quá trình kiểm soát đồng bộ, hiệu quả. Nội dung chương trình diễn tập đã tạo ra hiệu ứng sâu rộng trong việc nâng cao nhận thức cho các thành viên Ban chỉ huy ứng phó sự cố, các cơ quan quản lý, cơ sở có sử dụng thiết bị cũng như người dân đối với công tác đảm bảo an toàn và ứng phó khi sự cố xảy ra.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhân viên an toàn Công ty Fujikura Electronics Việt Nam (KCN Long Bình – Biên Hòa) cho hay, công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử dạng dẻo xuất khẩu nên có sử dụng các thiết bị dùng nguồn tạo tia X-ray để kiểm tra độ dày kim loại trong quá trình tạo ra sản phẩm. Sau gần 3 giờ theo dõi chương trình diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đã giúp chị Tâm cùng các thành viên khác trong bộ phận an toàn của công ty nhận thức rõ hơn mối nguy hại của tia phóng xạ khi xuất ra ngoài, nhất là với sức khỏe con người; nắm bắt cách thức xử lý khi xảy ra sự cố rò rỉ nguồn phóng xạ. “Vì vậy, trong thao tác sản xuất, chúng tôi cần phải nắm vững quy trình, thao tác máy, cũng như thường xuyên tổ chức huấn luyện, trang bị kiến thức cho nhân viên, người lao động để hạn chế tối đa sai sót, đảm bảo an toàn và sức khỏe người lao động”, chị Thanh Tâm nhấn mạnh.
Đỗ Quyên