GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo
Các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo, doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, làm sáng tỏ những vấn đề, gồm: quan điểm của Đảng về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực trạng đổi mới sáng tạo và tác động của đổi mới sáng tạo đến năng lực canh tranh tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Những khó khăn, thách thức đối với quá trình đổi mới sáng tọa nhằm nâng cao năng lực canh tranh tại vùng kinh tế trọng phía nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến sự thay đổi vượt bậc trong cuộc sống, việc làm và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời đưa đến những cách tiếp cận và phát triển mới: động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức và tài nguyên số. Xu thế hội nhập, bối cảnh thay đổi của nền kinh tế thế giới với sự phát triển kinh tế số cũng đặt ra yêu cầu, thách thức lớn cho Việt Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo là điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thực hiện hóa khát vọng trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, vùng kinh tế trọng điểm phía nam mặc dù chỉ chiếm 9,2% diện tích cả nước nhưng chiếm hơn 45% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu, 43% thu ngân sách của cả nước. Kinh tế vùng phát triển năng động, đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,75 lần mức bình quân của cả nước; năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước; thu hút hơn 56% dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài của nước ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam bắt đầu có xu hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân được xác định là dư địa phát triển dựa vào nguồn lực lao động giá rẻ đã tới hạn, trong khi những tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là dựa vào đổi mới, sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá về thể chế chưa được phát huy đầy đủ để tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng.
Toàn cảnh Hội thảo
Do đó, để thực hiện những quan điểm, tầm nhìn trong bối cảnh mới, theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, vùng kinh tế trọng điểm phía nam cần khẳng định vai trò, vị thế mới là vùng tiên phong đổi mới, sáng tạo trong tiến trình phát triển của đất nước. Trong đó, vùng phải là cái nôi hình thành và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo, hình mẫu của chiến lực nâng cao năng lực cạnh tranh dựa vào khoa học công nghệ và đối mới sáng tạo của cả nước. Cùng với đó, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng, phù hợp với những điều kiện đặc thù của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của vùng thông quan đổi mới và tạo sự chuyển biến đồng bộ cả ba yếu tố mũi nhọn: công nghệ - thể chế - con người.
Về phương diện địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho hay, Đồng Nai đã tích cực, chủ động để tìm ra những hướng đi mới trong phát triển. Tuy nhiên trong những năm qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến với những khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Xu thế đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh trên thế giới. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh, thành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực
P.Hương