Đại biểu phát biểu tại Hội thảo
* Đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến sự thay đổi vượt bậc trong cuộc sống, việc làm và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời đưa đến những cách tiếp cận và phát triển mới: động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức và tài nguyên số. Xu thế hội nhập, bối cảnh thay đổi của nền kinh tế thế giới với sự phát triển kinh tế số cũng đặt ra yêu cầu, thách thức lớn cho Việt Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo là điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thực hiện hóa khát vọng trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mặc dù chỉ chiếm 9,2% diện tích cả nước nhưng chiếm hơn 45% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu, 43% thu ngân sách của cả nước. Kinh tế vùng phát triển năng động, đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,75 lần mức bình quân của cả nước; năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước; thu hút hơn 56% dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài của nước ta. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bắt đầu có xu hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân được xác định là dư địa phát triển dựa vào nguồn lực lao động giá rẻ đã tới hạn, trong khi những tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là dựa vào đổi mới, sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá về thể chế chưa được phát huy đầy đủ để tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng.
Quang cảnh hội thảo
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một khu vực kinh tế năng động nhất trong cả nước, luôn dẫn đầu về chỉ số năng lực canh tranh và đóng góp ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của toàn quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức: sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng và nền tảng khoa học công nghệ. Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên việc liên tục đổi mới, sáng tạo và nền tảng khoa học công nghệ hiện đại thì chắc chắn rằng kinh tế vùng sẽ trở nên chậm chạp và lạc hậu so với tốc độ phát triển chung.
Về phương diện địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho hay, Đồng Nai đã tích cực, chủ động để tìm ra những hướng đi mới trong phát triển. Tuy nhiên trong những năm qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến với những khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Xu thế đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh trên thế giới. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh, thành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực
*Phải đổi mới và chuyển biến đồng bộ về công nghệ - thể chế - con người
Trước yêu cầu đổi mới sáng tạo là yếu tố “sống còn”, theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần khẳng định vai trò, vị thế mới là vùng tiên phong đổi mới, sáng tạo trong tiến trình phát triển của đất nước. Trong đó, vùng phải là cái nôi hình thành và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo, hình mẫu của chiến lực nâng cao năng lực cạnh tranh dựa vào khoa học công nghệ và đối mới sáng tạo của cả nước. Đồng thời phải đổi mới sáng tạo trong cả cách nghĩ và cách làm. Cùng với đó, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng, phù hợp với những điều kiện đặc thù của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của vùng thông qua đổi mới và tạo sự chuyển biến đồng bộ cả ba yếu tố mũi nhọn: công nghệ - thể chế - con người.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt khẳng định, để đảm nhiệm trọng trách tiên phong, là đầu tàu phát triển kinh tế đất nước thì việc vận dụng thành tựu của tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo là điều vô cùng quan trọng và cần thiết đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
TS. Nguyễn Văn Vẹn (Đại học Tài chính maketing) đã đưa một số khuyến nghị để xây dựng một nền kinh tế thông minh, một tương lai thông minh cho vùng, đó là: phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải có khả năng thúc đẩy và thu hút mọi người đóng góp vào việc đồng sáng tạo một cách thông minh, đồng thời chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu là nhằm phát huy trí tuệ tập thể và tính kỷ luật; chính quyền phải tạo điều kiện để công dân tham gia đồng sáng tạo một chính quyền an toàn với trách nhiệm, minh bạch và thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, đổi mới xây dựng lộ trình cơ sở hạ tầng thông minh là yếu tố quan trọng quyết định thành công đô thị thông minh trong tương lai. “Mục tiêu cuối cùng của đổi mới là tạo ra một tương lai thông minh. Để thực hiện điều đó, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng sự liên kết vùng chặt chẽ và khoa học, phải đặt mục tiêu con người là dài hạn và phát huy sức mạnh tập thể” – TS. Nguyễn Văn Vẹn nhấn mạnh.
Từ thực tiễn ở Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nêu ý kiến, muốn đổi mới sáng tạo thì trước hết phải cải cách thể chế, nếu không thì sự đổi mới sáng tạo sẽ bị bó hẹp. Hiện nay, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vấn đề đầu tiên phải nói đến là kết nối hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế giữa các địa phương trong vùng. Thế nhưng thực tế có rất nhiều rào cản do quy định của luật. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, với các địa phương tự chủ về tài chính, đề nghị cho địa phương được tự chủ về nhân lực. Nơi nào việc nhiều thì dùng nhiều người; chỗ nào ít việc thì tự quyết định giảm nhân sự để phù hợp. Hơn nữa, “Muốn sáng tạo, đổi mới phải chấp nhận rủi ro trong quản lý. Bởi, không chấp nhận rủi ro, hệ thống chính quyền khó có thể thực hiện được. Vì hệ thống thanh tra, kiểm tra bao giờ cũng lấy quy định và luật để đối chiếu, trong khi chính quyền ngoài việc quản lý theo luật phải kết hợp với thực tiễn” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trần Văn Vĩnh chia sẻ.
P.Hương