Sinh viên trình bày ý tưởng khởi nghiệp tại Ngày hội sinh viên Đồng Nai sáng tạo, khởi nghiệp
* Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp
Theo Sở Công thương Đồng Nai, thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng 4.0 là nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất. Máy móc thiết bị của các doanh nghiệp cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại, khiến các doanh nghiệp Đồng Nai nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Theo khảo sát đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai thì trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt mức công nghệ trung bình tiên tiến; tuy nhiên, xét trong mức độ đóng góp công nghệ thì trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ số đóng góp công nghệ tiệm cận mức tiên tiến. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước có độ hao mòn thiết bị công nghệ khá cao, mức độ đồng bộ công nghệ thấp. Đối với các doanh nghiệp này, điều tiên quyết để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh là cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và có đầu tư đổi mới để có sự đồng bộ về thiết bị công nghệ.
Do đó, Nhà nước cần có sự quan tâm những ngành sử dụng nhiều lao động đang phải đứng trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ, cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, khó khăn đặt ra đối với các doanh nghiệp trong thực hiện đổi mới sáng tạo là thiếu chính sách ưu tiên cho đổi mới sáng tạo; thủ tục chưa phù hợp với đặc thù của đổi mới sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế.
Giải pháp để khắc phục được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đưa ra là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực mũi nhọn, chủ chốt. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo và phát triển kinh doanh như: liên kết giữa các trường đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh…
Tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào tăng năng suất lao động. Động lực tăng năng suất quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo. Muốn dẫn dắt đổi mới sáng tạo phải có nguồn tài chính và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm, đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hội thảo về đổi mới sáng tạo vùng kinh tế trọng điểm phía nam được tổ chức tại Đồng Nai
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cho rằng, để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, cần xây dựng phương án cơ cấu lại chương trình khoa học công nghệ cấp tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tăng cường năng lực tiếp cận, tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến.
* Tích cực, chủ động tìm hướng đi mới trong phát triển
Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho biết, cùng với nhịp độ hội nhập chung của cả nước, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai những hoạt động cụ thể nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế của tỉnh và đang bước đầu tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để không bị tụt hậu. Trong đó tiếp cận nhanh là đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp và công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất chú trọng phát triển liên kết vùng để tận dụng công nghệ tiên tiến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời phổ biến những vấn đề hội nhập mang tính thời sự, những vấn đề mới và những vấn đề mang tính định hướng.
Ngày 7/5/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2023 với mức hỗ trợ cho mỗi dự án từ 80 đến 500 triệu đồng.
Tỉnh Đồng Nai đã triển khai các chương trình về đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ, kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh để tạo cơ hội trụ vững trên thị trường và có thể phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Kết quả, đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ mới ứng dụng sản xuất sạch hơn, nhờ đó giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải phát sinh ra môi trường.
Máy bọ PE thanh V giấy – một sản phẩm được doanh nghiệp đặt hàng trường Đại học Lạc Hồng nghiên cứu, chế tạo đã được đưa vào ứng dụng hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, Nguyễn Ngọc Phương cho biết, Đồng Nai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp như: chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; khảo sát đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp; chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực…Trong đó, chương tình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020 xác định mục tiêu: mỗi năm hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho khoảng 200 đơn vị, doanh nghiệp về: nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể trong nước, nhãn hiệu đăng ký ra nước ngoài, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích; hỗ trợ 5 doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất sạch.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đẩy manh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử. Theo Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã đưa vào vận hành, việc tiếp cận hồ sơ thủ tục hành chính được quản lý qua hệ thống Một cửa điện tử, một số thủ tục được tiếp nhận trực tuyến, công tác gửi nhận văn bản điện tử đã đạt trung bình trên 90% giữa 3 cấp tỉnh – huyện – xã…đã đặt một nền móng nhất định của mô hình Chính quyền điện tử trước khi chuyển đổi số. Trên lộ trình hướng tới chính quyền số, tỉnh đã triển khai thu thập một số dữ liệu cần thiết và có kế hoạch xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.
“Đồng Nai đã tích cực, chủ động để tìm ra những hướng đi mới trong phát triển. Tuy nhiên trong những năm qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến với những khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Những khó khăn, thách thức chỉ có thể được giải quyết khi có sự chung sức của cả nền kinh tế, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của chính quyền đến sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế. Trong đó yêu cầu về đổi mới sáng tạo là một nội dung mang tính quyết định.” – Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
P.Hương