Quang cảnh Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch chuẩn bị cho bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026” do Ban chủ nhiệm chương trình 8 tổ chức.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chủ nhiệm Chương trình 8 cho rằng, năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, và cũng là năm chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ các cáp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, vì vậy, ctrang bị thêm kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác bầu cử là điều hết sức quan trọng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, tại Đồng Nai, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức nữ luôn được Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách ưu tiên cho cán bộ nữ đã được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện; điều này đã khuyến khích tạo điều kiện từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội góp phần phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực đời sống trong giai đoạn hiện nay. Thống kê công tác phụ nữ đến nay cho thấy tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị ngày càng tăng. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 -2020 cấp tỉnh tăng 5,31% so với nhiệm kỳ 2010-2015, cấp huyện tăng 0,27% và cấp xã tăng 2,52%; tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND các cấp cũng tăng 4% so với nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo đều tăng so với nhiệm kỳ 2010-2015. Trong đó, 60,66% UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, tỷ lệ nữ lãnh đạo giám đốc sở, phó giám đốc cấp Sở và tương đương đạt tỷ lệ 13,89%; trưởng, phó phòng cấp Sở và tương đương là 45,82%, cấp huyện và tương đương là 42,7%, cấp phường là 25,86%. Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch các chức danh: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 26%, Ban thường vụ Tỉnh ủy chiếm 33,33%; giám đốc sở, ngành và tương đương là 30%; và phó giám đốc là 34,34%...
Công tác bổ nhiệm cán bộ nữ tại Sở Khoa học và Công nghệ.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tác động như quan niệm “trọng nam khinh nữ”, định kiến giới từ xã hội nên công tác cán bộ nữ thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh còn lúng túng trong công tác quy hoạch cán bộ nữ, thực hiện chưa đảm bảo quy trình; cơ cấu, số lượng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý không đảm bảo, tỷ lệ thấp. Việc quy hoạch cán bộ nữ ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, thiếu tính khả thi, chưa gắn với các tiêu chuẩn cụ thể, lĩnh vực công tác, đặc biệt vẫn còn tình trạng “quy hoạch treo” nên chưa tạo động lực khích lệ phụ nữ phấn đấu… Kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra của tỉnh đạt được còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết số 11 và Quyết định số 2351 của Chính phủ về “Phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020”, đòi hỏi phải có những đột phá và những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ tại buổi tập huấn các kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch chuẩn bị cho bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, Ths. Đinh Thị Thu Trang, phụ trách Khoa Dân vận và Công tác xã hội, Học viện Cán bộ cho hay, nhằm mục đích giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, tháng 10 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020. Với các mục tiêu cụ thể như phấn đấu có 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên các cấp; 50% người dân các cụm dân cư được truyền thông nâng cao nhận thức bình đẳng giới; 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, cán bộ hoạch định chính sách các cấp, đội ngũ cộng tác viên về bình đẳng giới được tập huấn, cấ[ nhật kiến thức liên quan; có 100% nữ đại biểu dân cử, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ trong diện quy hoạch được trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng quản lý, lãnh đạo… Chương trình hành động gồm 5 nội dung chính trong đó có truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu dân cử các cấp, nữ cán bộ, quản lý, lãnh đạo, cán bộ thuộc diện quy hoạch; xây dựng chương trình mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; và cuối cùng là khuyến khích các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xây dựng, thực hiện các mô hình tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong những lĩnh vực có nguy cơ bất bình đẳng giới cao…
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khen thưởng cán bộ nữ làm kinh tế giỏi.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến tham luận của đại biểu tham dự đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Để nâng cao vai trò, vị thế, gia tăng tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý nhà nước và đại biểu HĐND các cấp, các tham luận cho rằng, tỉnh cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong đó chú trọng các chủ trương, chính sách tạo nguồn cán bộ nữ, lồng ghép yếu tố giới vào các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc tạo nguồn cán bộ là khâu quan trọng nên phải có tính chiến lược, khoa học và giải pháp phù hợp. Song song đó, bố trí, sắp xếp vị trí công việc cho cán bộ nữ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát huy năng lực, sở trường công tác. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông về giới để thay đổi nhận thức, định kiến đối với nữ. Quan trọng hơn cả vẫn là sự tự phấn đấu của bản thân mỗi người phụ nữ khắc phục những yến điểm trong công tác quản lý, lãnh đạo. Chỉ khi người phụ nữ ý thức được khả năng, và phấn đấu vươn lên thì mới xóa bỏ quan niệm và cách đánh giá kỳ thị từ xã hội.
Thanh An