Than sinh học từ quả bàng khô được sử dụng để trồng lan
Giải pháp “Hệ thống phun thuốc đa năng sử dụng năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trương Văn Khang, Nguyễn Thanh Duy, trường THCS Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, không chỉ giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ và còn nhằm giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật phát tán ra môi trường. Đây là giải pháp đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019.
Sản phẩm Hệ thống phun thuốc đa năng sử dụng năng lượng mặt trời có cấu tạo gồm: máy bơm 12VDC, tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc quy, mạch sạc cho ắc quy, bộ điều chỉnh tốc độ máy bơm, cần phun thuốc và ống dẫn.
Tấm pin mặt trời có nhiệm vụ biến đổi quang năng thành điện năng thông qua mạch sạc nạp điện cho ắc quy. Nguồn điện từ ắc quy được cung cấp trực tiếp đến máy bơm 12VDC thông qua jack cắm lấy nguồn, cung cấp nguồn điện cho máy bơm hoạt động, tạo ra áp lực nước lớn nhất khoảng 0.55Mpa. Chiều cao cột nước có thể đạt 5m, dùng để phun thuốc. Thông qua dimmer, người sử dụng có thể điều chỉnh được áp lực của bơm cho phù hợp với việc phun thuốc của mình. Bơm cũng có tính năng tự động tắt, mở thông qua rơle tăng áp hay còn gọi là công tắc áp lực. Khi phun thuốc có dòng nước chạy qua, máy bơm sẽ tự mở. Khi dừng phun thuốc không có dòng nước chạy qua, máy bơm sẽ tự tắt, giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ và còn nhằm giảm lượng thuốc cần phun giúp tiết kiệm chi phí, giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Em Trương Văn Khang chia sẻ, sản phẩm có giá thành thấp, dễ dàng lắp đặt và di chuyển. Dung tích bình chứa thuốc linh hoạt, giúp nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, khi không sử dụng phun thuốc, sản phẩm có thể dùng phần điện năng tích trữ được vào sinh hoạt hàng ngày như chạy quạt 12V-15W (được khoảng 7 giờ), thắp sáng đèn Led 12V – 20W (khoảng 5 giờ), nghe radio…ở những vùng chưa có điện lưới.
Trong quá trình nghiên cứu, khám phá khoa học tự nhiên, phát hiện trong nước thải ở đồng ruộng có một lượng lớn bùn tích chứa nhiều vi sinh vật mang điện tích, các học sinh trường THCS Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu gồm: Nguyễn Đỗ Bá Phát, Nguyễn Tấn Phát và Võ Thị Bích Trâm đã nảy sinh ý tưởng thực hiện “Mô hình trồng cây thủy sinh tạo ra dòng điện sinh học giảm ô nhiễm môi trường”.
Giải pháp đã dùng cây dương xỉ để lọc nước giảm ô nhiễm môi trường và sử dụng nước bẩn đã được lọc để phục vụ cho người dân tưới cây nông nghiệp, đồng thời tận dụng nguồn nước bẩn có sẵn trong tự nhiên để tạo ra nguồn điện sinh học dùng để thắp sáng.
Hay nhóm học sinh Hoàng Tuấn Khoa, Hoàng Thu Hoài (trường Tiểu học Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) lại có ý tưởng làm than sinh học từ quả bàng. Cụ thể, nhóm đã thu gom những quả bàng khô rồi tận dụng những vỏ hộp sữa bằng thiếc đã qua sử dụng để bỏ quả bàng vào. Trên nắp hộp có đục 1 lỗ thông khí. Sau đó lần lượt xếp các lon vào lò lần lượt 1 lớp lon đựng quả bàng khô rồi đến 1 lớp trấu và tiến hành nung. Sau 3-5 tiếng thì thu được than. Số than này được sử dụng để trồng lan. Ưu điểm của than sinh học từ quả bàng là than dễ dàng hấp thu được chất dinh dưỡng, kích thước vừa phải rất phù hợp với chậu trồng hoa lan và có tính thẩm mỹ cao.
Ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh cho biết, năm nay, lĩnh vực môi trường thu hút sự tham gia của nhiều học sinh với 34 giải pháp tham gia ở lĩnh vực “Sản phẩm thân thiện với môi trường” và 53 giải pháp tham gia ở lĩnh vực “Các giải pháp khoa học kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Các em đã biết sử dụng những hiểu biết của mình đưa khoa học công nghệ áp dụng trong cuộc sống để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, dùng cho học tập, phục vụ cuộc sống.
P.Hương