Cán bộ dân số tuyên truyền chính sách cho người dân
Quy
mô dân số hiện nay khoảng gần 96,5 triệu người (2019), Tốc độ gia tăng dân số
đã được khống chế thành công, tỉ lệ tăng dân số 10 năm qua (2009-2019) trong
khoảng từ 1,05% – 1,15%/năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Từ
năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích
cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68%.
Chất
lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt
73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực
người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn...
Theo
dự báo được Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) đưa ra tại hội nghị công bố kết quả
nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số, đến năm 2029 sẽ tăng lên 105 triệu người và đến năm 2034, Việt Nam sẽ chấm
dứt thời kỳ dân số vàng bởi có khoảng 15% dân số trên 65 tuổi. Trải qua nhiều năm xây dựng, củng cố và phát triển,
công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam đã đạt được những
thành tựu quan trọng được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt
là những đóng góp về nguồn nhân lực trong sự phát triển của đất nước. Cụ thể,
tuổi thọ trung bình từ năm 1989 đến nay liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi
(năm 2019); số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ
6,3 con xuống 1,99 con; tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%, mức sinh giảm
sẽ tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các
lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo và cải
thiện đời sống cho nhân dân. Dân số Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số
vàng”, cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tỷ lệ tử vong trẻ
em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần
đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân
dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới… đóng góp cho sự phát
triển bền vững của đất nước.
Nếu
như cách đây 40 năm, tỷ lệ sinh thay thế của Việt Nam là 3,5 con/phụ nữ trong
độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2019 chỉ còn 2,09 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Bên cạnh đó, số lượng người già tăng cao (cả nước hiện có 11,4 triệu người trên
60 tuổi) dẫn đến tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam khá nhanh. Các chuyên gia
nhận định, nếu không có những giải pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2
con, quy mô dân số già sẽ ảnh hưởng đến lực lượng và chất lượng nguồn lao động.
Mặt khác, khi mỗi gia đình chỉ có ít con mà phải chăm sóc nhiều người già, tỷ
lệ người già sống bằng các nguồn lực an sinh xã hội không nhiều sẽ tạo áp lực
không nhỏ lên bản thân mỗi gia đình và toàn xã hội. Cũng theo dự báo của Tổng
cục Thống kê, đến năm 2034, cả nước sẽ có khoảng 1,5 triệu nam giới không được
kết hôn do thiếu nữ.
Theo
BS.CKII Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình
tỉnh, để chính sách dân số phù hợp trong tình hình mới, đảm bảo phát triển bền
vững thì khi mức sinh có xu hướng giảm cần sớm có các biện pháp can thiệp phù
hợp, không để mức sinh xuống quá thấp. Bởi khi đó, việc can thiệp sẽ tốn rất
nhiều kinh phí mà hiệu quả không cao. Để hạn chế tình trạng dân số già, Nhà
nước cần sớm xây dựng chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và
tạo điều kiện tốt để họ nuôi dạy con. Bởi thống kê cho thấy, mức sinh thấp hiện
nay diễn ra ở các tỉnh Đông Nam bộ, đặc biệt là khu vực thành thị. Nhiều cặp vợ
chồng e ngại sinh thêm con vì chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ như: ăn ở, giáo
dục, y tế, văn hóa, giải trí… hiện nay khá cao. Duy
trì vững chắc mức sinh thay thế (mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn
bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức
năng sinh đẻ, duy trì nòi giống) là một trong những mục quan trọng của ngành
dân số Đồng Nai cùng một số giải pháp chính được Đồng Nai đưa ra gồm: Tập trung
chăm sóc bà mẹ ngay từ khi mang thai đến khi sinh con và chăm sóc trẻ dưới 5
tuổi bằng những chương trình thiết thực như: vận động các bà mẹ, đặc biệt là nữ
công nhân lao động tích cực nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng,
tiêm chủng mở rộng, cung cấp kiến thức để các bậc cha mẹ có kiến thức nuôi dạy
con tốt.
Thảo Quế