Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
 

Nội dung

 
Tạo môi trường nghiên cứu sáng tạo, thử thách cho thanh thiếu nhi   17-03-2021
Được tổ chức từ năm 2016 đến nay, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai đã tạo ra môi trường nghiên cứu đầy sáng tạo, thử thách cho các em học sinh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
 

Chấm thi các giải pháp dự thi tại cấp huyện
* Kích thích sáng tạo
Ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật (LHH) cho biết, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai là dịp để các em học sinh thể hiện khả năng sáng tạo, từ đó bồi dưỡng, đào tạo các em trở thành những nhà khoa học, nhà sáng chế trong tương lai, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016 do LHH phối hợp với Sở Giáo dục và  Đào tạo, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Đài PTTH Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố tổ chức. Hầu hết các địa phương đều mời các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các giải pháp dự thi. Đồng thời giúp các em tiếp cận ý tưởng, biết vận dụng những kiến thức được học để áp dụng trong đời sống thực tiễn, giúp các em hiện thực hóa ý tưởng.
Theo báo cáo của LHH, năm 2016 chỉ có sự tham gia của một vài địa phương trong tỉnh với 69 mô hình, giải pháp dự thi. Đến nay, sau 5 năm tổ chức, Cuộc thi đã phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh với hơn 4.000 sản phẩm, mô hình, giải pháp dự thi thuộc 5 lĩnh vực gồm: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em; sản phẩm thân thiện với môi trường; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Trong đó có trên 300 sản phẩm, giải pháp, mô hình được nhận giải thưởng cấp tỉnh và 16 mô hình, giải pháp đạt giải thưởng quốc gia. “Điều này đã chứng tỏ hiệu ứng lan tỏa của Cuộc thi đến với các em học sinh, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, tạo điều kiện của nhà trường và phụ huynh học sinh” – ông Vy Văn Vũ nói.
Trao giải cho các tác giả có giải pháp đạt giải năm 2020
Thạc sĩ Trần Quang Toại, Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi đánh giá, không chỉ tăng về số lượng, chất lượng các giải pháp dự thi mỗi năm đều nâng lên rõ rệt. Nếu như trong 2 năm đầu tổ chức (2016-2017), các giải pháp dự thi có những ý tưởng trùng lắp, mô hình còn sơ sài, phần lớn là các mô hình làm từ vỏ hộp sữa, tăm tre, que kem…mang tính chất tham gia cho có phong trào, thì tới năm 2020, các ý tưởng dự thi được chọn lọc kỹ, các tác giả đầu tư hơn ngay từ khi tìm kiếm ý tưởng. Học sinh đã biết cách tiếp cận ý tưởng, áp dụng lý thuyết được học để giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống sản xuất, sinh hoạt thường ngày. Vì thế, các giải pháp đạt giải cấp Quốc gia cũng tăng lên. Năm 2016, Đồng Nai xếp vị trí thứ 20 trong danh sách các tỉnh, thành có giải pháp đạt giải cao, thì đến năm 2019, Đồng Nai vươn lên vị trí thứ 5, năm 2020, Đồng Nai xếp thứ 3 và có giải pháp đạt giải Nhất Quốc gia.
* Nhiều sáng tạo hữu ích
Cuộc thi đã tạo được sức hút với các em thanh thiếu niên, nhi đồng từ 6 đến 19 tuổi trên địa bàn tỉnh, ở khối trường học và ngoài trường học. Ngoài thời gian đến trường, các em đã thành lập nhóm để cùng đưa ra ý tưởng, nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng của mình. Từ những ý tưởng sáng tạo, thông qua những kiến thức đã học, các em đã vận dụng, thiết kế những mô hình thiết thực.
Từ thực tiễn tiết học môn lịch sử khô khan với nhiều dữ kiện lịch sử khó nhớ, nhóm tác giả Phạm Tấn Đức, Đặng Thái Sơn (trường song ngữ Á Châu, thành phố Biên Hòa) đã thực hiện mô hình “Sa bàn điện tử Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947” giúp học sinh hứng thú hơn với môn học lịch sử.
Thấu hiểu được nỗi vất vả của người thân và bà con nông dân trong việc chẻ thân cây mì làm meo giống để trồng nấm, nhóm tác giả: Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Ngọc Quỳnh Mai, Nguyễn Gia Bảo (trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Trảng Bom) đã sáng chế mô hình “Dụng cụ chẻ thân cây khoai mì thành que” đã giúp người dân cạo vỏ, cắt thân và chẻ nhỏ thân cây mì một cách đơn giản, dễ dàng, vừa năng suất mà lại đỡ tốn công sức.
Giải pháp “Máy hỗ trợ thu hoạch nghêu” của nhóm tác giả Trịnh Phạm Như Trúc và Nguyễn Quốc Khánh (học sinh lớp 10A1, trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom) là một giải pháp đạt giải Ba cuộc thi cấp quốc gia năm 2018. Giải pháp đã giúp bà con nông dân dễ dàng thu hoạch nghêu, không phải đi nhặt nghêu thủ công…
Máy rũ phân cút - một giải pháp dự thi năm 2019
Nhiều năm liền tham gia Ban giám khảo chấm thi, Tiến sĩ Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện – Điện tử, trường Đại học Lạc Hồng cho hay, các giải pháp dự thi ngày càng được đầu tư hơn về chất lượng, tính thẩm mỹ, quy mô và áp dụng tự động hóa cũng nhiều hơn như: chế tạo robot, mô hình phân loại rác…. Nhiều giải pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả, thiết thực. Trong đó, lĩnh vực về đồ dùng học tập, các em cùng với các thầy cô đã nghĩ ra các mô hình, sản phẩm cụ thể, giúp ích cho các môn học của các em, giúp các em hiểu bài tốt hơn. Ngoài ra, cuộc thi giúp các em biết làm khoa học, làm nghiên cứu.
Theo thạc sĩ Trần Quang Toại, kết quả của cuộc thi trong 5 năm qua đã thể hiện sự thắng lợi của phương châm giáo dục “Học đi đôi với hành”, nhà trường gắn với gia đình và xã hội. Đội ngũ thầy cô giảng dạy ở các nhà trường đã tận tâm chỉ dạy, truyền thụ kiến thức mà còn giúp các em xây dựng ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng thành mô hình, giải pháp dự thi. Đặc biệt ở huyện Trảng Bom, các thầy cô còn xây dựng được Câu lạc bộ ươm mầm tài năng, tập hợp được những học sinh yêu thích khoa học sáng tạo, giúp các em từng bước tiếp cận với chuyên môn của những nhà sáng tạo tương lai.
P.Hương
 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
 

THÔNG BÁO

 
 

Thủ tục hành chính

 
 

Hình ảnh hoạt động

 
Video clip
  • Ứng dụng công nghệ đèn LED trong sản xuất đạt hiệu quả cao
  • Đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan làm việc với Công ty Công nghệ sinh học Vạn Bảo Lộc
  • Đồng Nai là tỉnh đầu tiên được đo hàm lượng vàng
  • Công bố chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh
  • Hội thảo nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
  • Hội nghị cán bộ công chức và triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2015
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 2
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 1
  • Nhiều trạm xăng dầu sử dụng công nghệ cao gắn chíp qua mắt người tiêu dùng và các cơ quan chức năng
  • Ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Okayama (Nhật Bản)

  • Hình ảnh liên kết
    Liên kết website trong tỉnh
    Liên kết website các tỉnh
    Lượt truy cập