Trung tâm điều hành thông minh thành phố Biên Hòa
* Chủ động tiếp nhận
Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9- 2019 của Bộ Chính trị về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư nêu rõ, nước ta cần chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đây là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Để chủ động tiếp nhận và thực hiện hiệu quả cuộc CMCN lần thứ tư, Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã ban hành Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 26/2/2020 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thực hiện Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 03/7/2020 nhằm xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu; xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo từng giai đoạn và phân công tổ chức thực hiện hiệu quả.
Nội dung của Kế hoạch 7600/KH-UBND nêu rõ, sẽ xây dựng Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đẩy mạnh phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới…
Ông Huỳnh Minh Hậu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, Sở được UBND tỉnh giao nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng và phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên vào các công nghệ chủ chốt của chuộc CMCN lần thứ tư. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo của tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh là trung tâm, là chủ thể nghiên cứu. Khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Trường Đại học Lạc Hồng đầu tư mạnh cho đổi mới sáng tạo (trong hình: sinh viên trường Đại học Lạc Hồng say mê nghiên cứu sáng tạo)
Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 trong các lĩnh vực như: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tư vấn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Hướng dẫn các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp tiếp cận được với cơ chế chính sách KH&CN về hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số phục vụ cho chuyển đổi số và kinh tế số.
Đồng thời lựa chọn, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển các chương trình nghiên cứu trọng điểm, các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
* Khơi dậy tinh thần sáng tạo và đổi mới công nghệ
Thời gian qua, ngành KH&CN Đồng Nai đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm khơi dậy sinh thần sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, hướng đến tự động hóa trên mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Hàng năm, Sở KH&CN đều tuyên truyền và hướng dẫn các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư đổi mới và chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến…đến cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2020, Sở đã hỗ trợ HTX Dịch vụ Đầu tư phát triển nông nghiệp xanh ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi giống nhanh cho nhà vườn trồng sầu riêng và cà phê; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Tâm Phát nghiên cứu công nghệ xử lý khói bụi và khí thải; hỗ trợ 05 đơn vị sản xuất thực hiện kiểm toán năng lượng nhằm tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.
Đặc biệt, để chung tay phòng chống dịch COVID-19, Sở đã thành lập nhóm chế tạo thiết bị trực tiếp, tiến hành nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới để thiết kế và chế tạo thiết bị hỗ trợ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn như: máy đo thân nhiệt tự động, buồng khử khuẩn di động, thiết bị phát gạo tự động với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các thiết bị khác trên thị trường.
Nâng cao nhận thức về đổi mới công nghệ luôn là mối quan tâm hàng đầu của Sở. Vì vậy, hàng năm Sở triển khai các nội dung của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tại 11 huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hoà, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Thông qua các chương trình cùng hội thảo chuyên đề, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là điều tra, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Ông Huỳnh Minh Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai cho hay, từ 2016-2019, Sở tham mưu UBND tổ chức đánh giá trình độ công nghệ chuyên ngành thuộc 08 lĩnh vực (chế biến nông sản, thực phẩm; da giầy, dệt may; sản phẩm chế biến từ gỗ; hoá chất; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; vật liệu xây dựng; điện, điện tử và cơ khí) nhằm xác thực các điểm mạnh và yếu để tìm giải pháp hỗ trợ.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Hậu, tập trung phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Do đó, thời gian qua, Sở đã thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, tại trường Đại học Lạc Hồng, từ ban giám hiệu đến giảng viên, sinh viên lúc nào cũng mang tinh thần đổi mới sáng tạo. Nhà trường đầu tư rất mạnh cho hoạt động đổi mới sáng tạo, mỗi ngành đều có 1 sân chơi sáng tao để các bạn sinh viên thỏa sức sáng tạo như: sáng tạo robocon, sáng tạo xe tiết kiệm nhiên liệu…
Tiến sỹ Đặng Kim Triết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học công nghệ, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chia sẻ: “Với mong ước giúp sinh viên tiếp cận thực tế sản xuất và kinh doanh năm 2018 nhà trường đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp hỗ trợ 3 tỷ tiền vốn để giúp sinh viên thành lập các nhóm nghiên cứu sang tạo ra sản phẩm mới. Trường đang xây dựng 8 phòng thí nghiệm 3D tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với công nghệ thực hành mới.
Nhiều đề tài, dự án triển khai nhằm hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP
* Khoa học công nghệ dẫn đường cho phát triển
Thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, việc tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được Đồng Nai đặc biệt quan tâm.
Giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh có 102 đề tài, dự án nông nghiệp cấp bộ, cấp tỉnh được triển khai. Kết quả có 45 đề tài cấp tỉnh và 19 đề tài, dự án cấp huyện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng vào sản xuất. Nhiều đề tài, dự án đã đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của nông dân. Tiêu biểu như đề tài Xây dựng mô hình sản xuất xoài theo quy chuẩn GlobalGAP ở huyện Xuân Lộc đã hỗ trợ nông dân hiệu quả trong việc phòng trừ ruồi đục trái xoài; hỗ trợ nông dân sản xuất xoài đạt chứng nhận GlobalGAP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và website xoài cho HTX Xoài Suối Lớn. Ngoài ra, chương trình còn hướng dẫn cho HTX được xét cấp mã số vùng trồng cho 40ha xoài. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với HTX bàn về việc xuất khẩu trái xoài vào những thị trường khó tính.
Ngoài việc triển khai các đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì Chương trình khoa học công nghệ còn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Chương trình này hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng website để quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Được biết, Đồng Nai đã và đang triển khai trên 50 loại mô hình nông nghiệp có hiệu quả với diện tích gần 80 ngàn hecta. Nhiều diện tích sản xuất được ứng dụng công nghệ cao gồm: ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh cơ giới hóa trên cây trồng đạt 84%; chăn nuôi chuồng lạnh khép kín theo quy trình an toàn sinh học, triển khai quản lý chăn nuôi qua phần mềm Te-Food …
Song song đó, bằng nhiều hoạt động, chương trình, Sở KH&CN Đồng Nai đã tạo nên phong trào toàn dân tiến quân vào mặt trận khoa học công nghệ. Từ đó khơi dậy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời cũng tạo động lực thúc đẩy người dân tiếp cận với công nghệ mới, tăng khả năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: phong trào sáng kiến sáng tạo trong lao động và sản xuất, cuộc thi nông dân giỏi ứng dụng khoa học công nghệ, các cuộc thi thanh niên, phụ nữ, giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin…
Theo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai định hướng phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Đồng Nai sẽ phát triển công nghiệp – xây dựng có hàm lượng khoa học công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư. Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
P.Hương