Mô hình 3D máy chấm trắc nghiệm (ảnh do nhóm tác giả cung cấp)
Thầy Phương chia sẻ, cách thức giáo viên đang thực hiện chấm trắc nghiệm thủ công là dò từng đáp án, hoặc dùng cách thức đối chiếu thủ công, như vậy dẫn đến việc chấm dễ sai sót và tốn thời gian. Mặt khác việc chấm tập trung và quản lí bài thi của học sinh cũng khó khăn, có thể dẫn đến mất bài thi học sinh.
Hiện trên thị trường cũng có phần mềm chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Thế nhưng, để chấm thi trên máy tính cần phải kết nối với máy scan, mà giá thành của máy scan khá cao (trên 10 triệu đồng/máy), nên giáo viên rất khó để tự trang bị. Bên cạnh đó cũng có nhiều máy chấm trắc nghiệm như: "Nhận diện Dấu hiệu Quang học" (Optical Mark Recognition - OMR), Máy chấm thi trắc nghiệm TestPro Engine 4.0… Các máy này giá thành cũng khá cao so với tài chính của một trường trung học. Chính vì vậy, việc chấm các bài thi trắc nghiệm vần được giao cho giáo viên bộ môn giảng dạy chủ động tìm phương án để chấm.
Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên đang sử dụng phần mềm giúp chấm trắc nghiệm, chỉ cần dùng ngay điện thoại Smartphone để chụp ảnh là chấm được bài trắc nghiệm. Khi sử dụng giải pháp này, giáo viên sẽ tải phần mềm hỗ trợ chấm về cài vào điện thoại, giáo viên phải căn chỉnh chuẩn xác chụp hình ảnh từng bài để phần mềm chấm và lưu dưới dạng file ảnh. “Cái khó ở đây là giáo viên tốn nhiều thời gian do người chấm phải thực hiện tất cả bằng tay, phải tập trung điều khiển tay cầm điện thoại căn chỉnh thật chuẩn xác, lúc đó máy mới bắt được ảnh phiếu trắc nghiệm, điều này dẫn đến gây khó khăn cho giáo viên phải chấm với số lượng bài nhiều” – thầy Phương cho hay.
Bản vẽ thiết kế máy chấm trắc nghiệm (ảnh: nhóm tác giả cung cấp)
Để khắc phục những hạn chế và khó khăn trong việc chấm trắc nghiệm của giáo viên của các cơ sở giáo dục và đào tạo, thầy Phương cùng các học sinh của mình đã nghiên cứu thiết kế “máy hỗ trợ giáo viên chấm trắc nghiệm”.
Máy sử dụng các động cơ điện, các bánh ma sát, cơ cấu nâng hạ và hệ thống lấy giấy của máy in để làm nên một thiết bị lấy giấy tự động, kích hoạt chế độ chụp điện thoại tự động cùng việc điều chỉnh khoảng cách bắt ảnh khi chụp để phục vụ cho việc chấm trắc nghiệm. Chỉ một lần căn chỉnh cho máy thì máy sẽ chạy tự động chấm được nhiều bài thi qua hình ảnh mà không cần sự giám sát của giáo viên chấm, máy thống kê được lượng bài chấm.
Nói về nguyên lý hoạt động của máy, đại diện nhóm tác giả giải thích, để tương tác với máy, người dùng sử dụng bàn phím 4x4 và màn hình LCD trên bộ điều khiển trung tâm. Khi nhập số liệu, lệnh từ bàn phím vi xử lí trung tâm Arduino sẽ tiếp nhận xử lí tín hiệu, số liệu nhập vào bao gồm: thời gian cho một lần chụp; thời gian chờ của tay nhấn sau chụp; độ cao hạ xuống của tay nhấn; chọn kích cỡ giấy (A3, A4, A5); số lượng giấy trong khay. Sau khi đã thiết đặt xong và có tín hiệu đồng ý bắt đầu từ bàn phím thì máy bắt đầu hoạt động chấm bài thi. Tay nhấn trên servo bắt đầu hạ xuống chạm màn hình, sau đó nhấc lên sau một khoảng thời gian. Tiếp đó, Arduino điều khiển động cơ bước xoay con lăn cuốn tờ giấy ra khỏi khay để chụp tờ mới. Máy sẽ hoạt động cho đến khi cảm biến hồng ngoại không còn bắt được giấy trên khay. Chỉ việc căn chỉnh một lần đầu chuẩn là máy sẽ hoạt động tự động chấm nhiều bài.
Điểm mới và sáng tạo của máy là sự kết hợp giữa truyền động cơ và đặc tính điều khiển của thiết bị điện điện tử để thực hiện các tác động tự động như là tải, lật từng tờ phiếu trắc nghiệm, điều chỉnh được giá đỡ điện thoại theo nhiều kích cỡ điện thoại, định thời gian chụp hoặc được kích hoạt bởi cơ cấu tác động, bộ đếm số lượng bài chấm. Tất cả tính năng trên làm nên sự đa dụng và tiện dụng của máy.
Thầy Phương cho biết thêm, máy được thiết kế với kết cấu đơn giản, dễ thao tác và chi phí thấp (khoảng 1 triệu đồng) nên phù hợp với tài chính của giáo viên và cơ sở giáo dục trường học. Máy chấm tự động có độ chính xác cao, thời gian hoàn thành bài chấm nhanh cùng việc khả năng thống kê bài thi của máy đã đem đến việc quản lí, giám sát bài thi tốt hơn. Nhóm đã hoàn thiện 2 máy và đưa vào thực nghiệm trong việc chấm trắc nghiệm cho 2000 bài thi tại trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom mang lại hiệu quả tốt.
P.Hương