Với giải pháp Thiết bị liên hợp 4 trong 1 đã giành giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2021
Với vai trò là người phụ trách cơ giới Tổng công ty Cao su Đồng Nai, lại đam mê, nhiệt huyết trong công việc, anh Phạm Ánh Phương đã không ngừng nghiên cứu, chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc phục vụ cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc cây cao su. Đặc biệt, năm 2021 với giải pháp Thiết bị liên hợp 4 trong 1, anh Phương đã giành giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2021.
Trước khi sử dụng máy móc, quy trình chuẩn bị đất để trồng cây cao su bao gồm 9 công đoạn: dọn dẹp thực bì, cày phục hoang, phóng nọc điểm trồng, khoan hố trồng cây, phá thành hố khoan, bón lót, đảo trộn phân và lấp hố, trồng cây cao su, lên luống hàng trồng. Trong đó, công đoạn cày phục hoang, khoan hố và lên luống hàng trồng được thực hiện bằng máy nông nghiệp, 6 công đoạn còn lại đều được thực hiện hoàn toàn bởi các lao động thủ công.
Là kỹ sư chuyên ngành cơ khí nông nghiệp, lại có nhiều năm gắn bó với vườn cây cao su, anh Phương luôn trăn trở để nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình trồng và chăm sóc cây cao su. Từ quan sát thực tiễn và nghiên cứu, tìm tòi, năm 2016, anh Phương có ý tưởng sáng chế thiết bị liên hợp 4 trong 1 để sử dụng trong quy trình chuẩn bị đất trồng cây. Từ ý tưởng ban đầu, anh cùng với các cộng sự bắt tay vào thực hiện. Năm 2017, phiên bản máy 4 trong 1 đầu tiên ra đời, sau đó liên tục được cải tiến và hoàn thiện. Thiết bị có thể thực hiện cùng lúc 4 công đoạn trong quy trình chuẩn bị đất trồng cây cao su bao gồm: phá thành hố khoan để trồng cây cao su, đảo trộn phân trong hố, lấp hố và đồng thời lên luống hàng trồng cây cao su.
Thiết bị liên hợp 4 trong 1
Với việc áp dụng thiết bị này, quy trình chuẩn bị đất được rút ngắn xuống còn 6 công đoạn: dọn dẹp thực bì, phóng nọc điểm trồng, khoan hố trồng cây, bón lót, sử dụng máy 4 trong 1, trồng cây cao su.
Được ứng dụng trong mùa tái canh năm 2020, thiết bị liên hợp 4 trong 1 đã đem lại hiệu quả lớn cả về kỹ thuật và kinh tế. Anh Phương giải thích: “Về mặt kỹ thuật, dàn chảo cày không lật đất nhằm giảm thiểu việc xới xáo ảnh hưởng đến cấu trúc đất. Sử dụng cày ngầm một trụ có thể cày đến độ sâu 40cm, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Phương pháp này giúp giảm công đoạn cày phục hoang, thay vào đó là cày ngầm trên hàng trồng, phần diện tích còn lại sẽ được thực hiện khi trồng thảm phủ hoặc cày chăm sóc theo quy định. Khi máy đi qua, đất đai sẽ được tơi xốp, thông thoáng bảo đảm không khí, nước, dinh dưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra, giúp cây cao su sinh trưởng tốt ngay trong năm đầu”.
Cũng theo chia sẻ của anh Phương, thiết bị liên hợp 4 trong 1 này còn mang lại hiệu quả là đáp ứng được thời vụ. Không những thế, khi máy đi qua, đất đai sẽ được tơi xốp, thông thoáng bảo đảm không khí, nước, dinh dưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra, giúp cây cao su sinh tưởng tốt ngay trong năm đầu.
Được biết, tổng công ty Cao su Đồng Nai đã và đang tiếp tục sử dụng thiết bị liên hợp để đẩy nhanh tiến độ tái canh chất lượng, hiệu quả.
P.Hương