Đoàn kiểm tra thực tế mô hình tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.
Theo báo cáo của Chủ nhiệm đề tài, đến nay đề
tài đã thực hiện xây dựng được 04 mô hình chọn lọc, nhân giống và nuôi dưỡng lợn
sinh sản tại các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán và Cẩm Mỹ; đồng thời xây dựng
8 mô hình chăn nuôi kết hợp ở các địa phương. Hiện chủ nhiệm đề tài cũng đang thực
hiện các báo cáo đánh giá đặc điểm sinh học của giống lợn đen; Báo cáo đánh giá
năng suất sinh sản và quy trình chọn lọc, nhân giống, chăm sóc và nuôi dưỡng lợn
đen sinh sản...
Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra ghi nhận
những kết quả và kiến nghị của đơn vị thực hiện; đồng thời yêu cầu Chủ
nhiệm dự án sớm hoàn thiện báo cáo tiến độ thực hiện cũng như các báo cáo bổ
sung để tổ chức đánh giá trong thời gian tới.
Mô hình nhân giống và nuôi dương lợn sinh sản của dự án.
Được biết, giống lợn đen bản địa của tỉnh Đồng Nai
phân bố rải rác tại một số huyện miền núi của tỉnh và được nuôi chủ yếu trong cộng
đồng người dân tộc Choro, Mạ và người Stiêng, nhưng ngày càng bị lai tạp với một
số giống lợn khác làm cho số lượng lợn thuần ngày càng ít đi. Trước nguy cơ bị
tuyệt chủng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ thực hiện dự án nhằm khai thác nguồn gen, khôi phục giống lợn quý này.
Mục tiêu tổng quát của Đề tài là khai thác
nguồn gen để phát triển chăn nuôi giống lợn đen Đồng Nai theo hướng hữu cơ nhằm
đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi và gia tăng hiệu quả kinh tế. Trong đó, mục tiêu
cụ thể là chọn lọc nhân thuần để có được đàn nái sinh sản và đực giống thuần
chủng; Xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản, mô hình chăn nuôi kết
hợp (lợn nái và lợn thịt) và mô hình chăn nuôi lợn thịt thương phẩm.
Thanh
Cảnh