Cụ thể, về phát triển Chính phủ số, sẽ tập trung hình thành
được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải. Trong đó, có CSDL nền
tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên
dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận
tải tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác; Bên
cạnh đó, ngành Giao thông vận tải sẽ tự động hóa hoàn toàn các công tác liên
quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp,
phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các
hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin; Tất cả các kế hoạch
quản lý bảo trì, duy tu các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được kiểm tra số
liệu, xử lý trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả,
đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Hạ tầng giao thông phát triển thích ứng nhu cầu phát triển của xã hội
Liên quan phát triển kinh tế số, ngành sẽ tập trung triển
khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS) trên các
tuyến đường bộ cao tốc; Hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều
hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương
và địa phương có nhu cầu. Đồng thời triển khai đồng bộ hệ thống thu phí điện tử
không dừng (ETC) tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ
tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.
Chương trình chuyển đổi số trên lĩnh vực giao thông vận tải góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột
phá cho việc thực hiện mục tiêu của ngành, đặc biệt là kéo giảm tai nạn giao
thông, cùng với các lĩnh vực khác thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Chương trình chuyển đối số của
ngành giao thông vận tải đã thực hiện theo lộ trình rõ ràng, bước đầu tập trung
vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng dùng chung, bao gồm: CSDL về kết
cấu hạ tầng giao thông vận tải, CSDL về người điều khiển phương tiện, CSDL về
phương tiện và CSDL về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. Trong giai đoạn 2021-2025, theo kế
hoạch nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông do Chính phủ đề ra, việc ứng dụng
công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt, là một trong những mục tiêu chính mà các
bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện. Quản lý giao thông bằng công nghệ hiện đại là
động lực để hiện thực hóa mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông hằng năm từ
5-10%.
Tại
Đồng Nai, công nghệ đã được đưa vào ứng dụng trên một sô lĩnh vực của ngành
giao thông vận tải, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngành, góp phần nâng cao
hiệu quả kiểm soát an toàn giao thông.
Trong đó, Ban An toàn giao thông tỉnh đã
đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông hiện đại tại các nút giao
trên các tuyến quốc lộ có tình hình giao thông phức tạp thuộc địa bàn tỉnh. Các
camera sẽ truyền tải dữ liệu hình ảnh phản ánh tình trạng lưu thông trên các
tuyến đường, thông qua hệ thống dữ liệu hình ảnh, lực lượng chức năng sẽ kịp
thời xử lý tình trạng ùn tắc hoặc các tình huống mất an toàn giao thông.
Ngoài
hệ thống camera giám sát hành trình, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã lắp
đặt hơn 100 camera giám sát tải trọng và đường truyền kết nối dữ liệu bàn cân
tại các mỏ đá, mỏ vật liệu, các cảng, bến thủy nội địa và bến bãi tập kết
nguyên vật liệu để giám sát tải trọng xe ngay từ nơi bốc dỡ hàng hóa. Qua hệ
thống camera giám sát, lực lượng chức năng đã phát hiện các trường hợp vi phạm
về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vượt tải trọng cho phép, đồng thời ra quyết
định xử phạt lên đến hàng tỷ đồng (đối với tài xế, chủ phương tiện và chủ hầm
mỏ, công ty). Nhờ đó tình trạng phương tiện vận chuyển hàng hóa vượt quá tải
trọng đã được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn so với trước đây, tác động đến
ý thức của các chủ mỏ đá và tài xế và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Thông
tin từ Sở Giao thông vận tải cho biết, trong 2 tháng gần cuối năm 2021, qua
thiết bị giám sát hành trình đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm: phát hiện lái
xe của gần 1,2 ngàn phương tiện vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số
ngày xe hoạt động trong tháng; gần 600 phương tiện trong tháng có từ 5 lần vi
phạm tốc độ/1 ngàn km xe chạy theo quy định…Việc quản lý hình ảnh từ camera
giao thông là cơ sở để “phạt nguội” các vi phạm giao thông. Đến nay, qua hệ thống
camera giám sát giao thông trên quốc lộ 1 và các tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa,
lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt trực tiếp ngoài đường và gửi thông
báo chiếm trên 80% tổng số vụ phát hiện, góp phần ngăn chặn vi phạm và hạn chế
tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Trong
lĩnh vực vận tải, thời gian qua, việc quản lý phương tiện được đẩy mạnh thông
qua quy định xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình,
camera giám sát hình ảnh. Quy định này giúp cơ quan chức năng, DN vận tải có
thể kiểm tra tốc độ phương tiện, thời gian lái xe liên tục của tài xế…
Chuyển đổi số thành công các doanh nghiệp lớn hoạt động
trong lĩnh vực GTVT để thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ từ truyền
thống sang phương thức số. Tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa
phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi doanh nghiệp
của Việt Nam. Các mục tiêu này đều có kế hoạch thực hiện và phải đảm bảo tính
khả thi cao, tính hiệu quả phải đặt lên hàng đầu để quản lý và cung cấp dịch vụ
vận tải, logistics càng ngày càng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đối
với các thủ tục hành chính về quản lý người điều khiển phương tiện và hoạt động
vận tải hiện nay được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên
Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao
thông vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.
Ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải
Tại
Đồng Nai, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các đơn
vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số
trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân, thực hiện nâng cấp hạ tầng
công nghệ thông tin; lựa chọn cán bộ có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ tham
gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến
mức độ 4 về đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày
25-9-2021 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc đổi giấy
phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người
dân trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Người dân có thể ngồi tại nhà
đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng, sau đó có thông báo đến trung tâm
hành chính công hoàn tất các thủ tục còn lại. Từ đó, giúp người dân tiết kiệm
thời gian đi lại rất nhiều so với trước đây. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải
hiện đang thực hiện mức độ 3, 4 với nhiều nội dung trên Cổng dịch vụ công quốc
gia như: cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; cấp giấy phép lưu hành
xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu
trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp lại phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải.
Diệu Linh