Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
 

Nội dung

 
Ngành khoa học và công nghệ Đồng Nai: 45 năm xây dựng, phát triển và hội nhập   25-08-2022
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Nai (tiền thân là Ban Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai) được thành lập ngày 28/7/1977. Trên chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền tỉnh qua các thời kỳ, vượt lên những khó khăn, thử thách, ngành KH&CN Đồng Nai đã từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 

Đến nay toàn tỉnh có 1.667 ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương. Trong ảnh: Mô hình sản xuất rau ăn quả đạt chứng nhận VietGAP tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu).

* Những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế
Trong chặng đường 45 năm, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ luôn được quan tâm hàng đầu. Hoạt động này đã góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, nhiều công nghệ, kỹ thuật tiến bộ được chuyển giao vào thực tiễn. Đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực khoa học nông nghiệp: đã góp phần tăng nhanh năng suất, giá trị sản lượng nông sản, thực phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai.

Việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất luôn được quan tâm đầu tư chuyển giao trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường trên các khâu giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, thực hành nông nghiệp tốt, cơ giới hóa. Việc hỗ trợ người dân đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã làm tăng năng suất, chất lượng trên các loại cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí lao động, giá thành sản phẩm tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng xuất khẩu thông qua việc chứng nhận VietGAP, Global GAP và các tiêu chuẩn khác, từng bước xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm. Đã ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 57.636 ha; hướng dẫn, hỗ trợ, vận động người dân, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), lũy kế đến nay toàn tỉnh có 1.667 ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương; thiết lập 7 vùng trồng và 06 cơ sở đóng gói để thúc đẩy xuất khẩu, hiện toàn tỉnh có 108 mã số vùng trồng với diện tích 23.202 ha và 46 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand; 95 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm như: xoài, rau, sầu riêng, bưởi, chôm chôm,  chuối, tiêu, điều, gạo, mãng cầu na, khổ qua, hạt sen.... Lũy kế toàn tỉnh có 13 cây đầu dòng và 07 vườn đầu dòng; 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao, như: bắp, rau, cao su, hồ tiêu, ca cao, chuối, cam, bưởi, xoài, sầu riêng, chôm chôm, mít; khoảng 98% đàn heo, 90% đàn gà được lai tạo từ các giống có chất lượng cao, phẩm chất tốt;…40 cơ sở kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã góp phần cung ứng 78,3% giống sạch bệnh, có chất lượng cao.

Nhiều công nghệ mới được nghiên cứu, chuyển giao thành công đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Trong chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín có nhiều chuyển biến tích cực: chăn nuôi quy mô lớn chiếm khoảng 35% so với tổng số trang trại trên toàn tỉnh, tỷ lệ chăn nuôi trang trại đối với vật nuôi chủ lực (heo, gà) đạt 90 – 91%; 21% trang trại sử dụng hệ thống chuồng lạnh, chuồng kín; gần 90% cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bằng biogas hoặc đệm lót sinh học.

Lĩnh vực công nghiệp và công nghệ: đã triển khai các đề tài, dự án phục vụ cho công tác chọn lọc công nghệ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện tỉnh nhà, nhất là công nghệ chế biến, điều tra tình hình công nghệ của địa phương, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đến nay đã tổ chức triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài, dự án vào thực tế sản xuất, trong đó nổi bật là các đề tài, dự án như: "Nghiên cứu công nghệ sấy và chế biến thức ăn gia súc trong vùng sản xuất nguyên liệu huyện Định Quán"; "Khảo sát trình độ công nghệ một số ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh"; “Nghiên cứu quy trình công nghệ thu hồi và xử lý một số sản phẩm từ dầu và vỏ hạt điều”; “Nghiên cứu đề xuất lộ trình tham gia AFTA đối với những sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn Đồng Nai”; “Điều tra khảo sát tai nạn giao thông đư­ờng bộ và các giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT đư­ờng bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”; “Xây dựng mô hình xử lý, bảo quản và chế biến sản phẩm từ cây ăn quả tại huyện Tân Phú, Đồng Nai”; “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị chế biến sản phẩm ăn liền có giá trị gia tăng từ nhân hạt điều và  nhân Macamadia”; “Nghiên cứu và triển khai công nghệ sản xuất các sản phẩm: CTT, Antoxian, Clorophin nguồn gốc tự nhiên dùng làm phụ gia thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”; “Nghiên cứu quy trình công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm bột đá granit phục vụ công nghiệp sản xuất gạch Ceramic và đá Granit”; “Nghiên cứu đề xuất cơ sở khoa học qui hoạch nút giao thông TP. Biên Hoà tỉnh Đồng Nai nhằm hạn chế tai nạn và ách tắc giao thông”; “Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa sản xuất mía tại tỉnh Đồng Nai”; Phối hợp tổ chức triển khai 01 dự án quốc tế: Dự án: “Xây dựng lưới điện trung và hạ thế tại ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định, huyện Định Quán”; Đề tài: “Xây dựng hệ thống truyền động điện tự động nhiều động cơ chủ động được liên kết với nhau bởi các phần tử đàn hồi”; Đề tài: “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai”; Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình xác định sản lượng năng lượng mặt trời và chế tạo hệ thống giám sát, phát hiện, chẩn đoán lỗi dàn pin quang điện dựa trên nền tảng IoT”; Đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất ván sàn composite gỗ nhựa bằng phế phụ phẩm sau chế biến gỗ kết hợp với rác thải nhựa HDPE trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”…


Nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị giúp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Kết quả đạt được của các đề tài, dự án này là nhằm mục tiêu phục vụ thiết thực cho phát triển ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh, phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sản phẩm của các đề tài này là tạo ra được những sản phẩm có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế, tạo được dây chuyền công nghệ bảo quản, chế biến nông sản quy mô phù hợp với hộ gia đình, các giải pháp khả thi. Làm luận cứ có giá trị phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo và chỉ đạo của tỉnh trong thời gian tới.

Lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin, đã góp phần thiết kế, chế tạo mới và cải tiến được nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; xây dựng được các hệ thống giám sát và kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đưa công nghệ thông tin về vùng nông thôn, phục vụ kiến thức người dân và góp phần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ở cơ sở. Nâng cấp và triển khai nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh (LGSP) đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn hiện hành. 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; thực hiện gửi nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông tỉnh. Đồng thời, đã thực hiện kết nối hệ thống quản lý văn bản của tỉnh với hệ thống quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ thông qua Trục liên thông văn bản Quốc gia. Đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, đặc biệt đã thực hiện ký số được trên các thiết bị di động (iOS, Android...).

 

Hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Trong ảnh: chôm chôm Long Khánh được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng phát triển kinh tế, xã hội - nhân văn: đã góp phần bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hóa - lịch sử, truyền thống cách mạng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay, giới thiệu với đồng bào các tỉnh bạn và nhân dân thế giới về mảnh đất và con người Đồng Nai. Đồng thời cung cấp những luận cứ khoa học để xây dựng các chủ trương, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và cũng như các biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện như:
- Đánh giá thực trạng và một số giải pháp xây dựng đời sống văn hóa nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020 , định hướng 2030 đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
- Thực trạng văn hóa ứng xử của các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Đồng Nai đã đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm phát huy vai trò, phát huy tấm gương của các cán bộ lãnh đạo quản lý Đồng Nai nói riêng và nâng cao văn hóa công sở nói chung.
- Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm giết người của lực lượng Cảnh sát nhân dân trên địa bàn tỉnh;
- Hệ thống giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước.
Lĩnh vực Y tế - Chăm sóc sức khỏe và Giáo dục - Đào tạo: tập trung nghiên cứu nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho người dân và xã hội, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu địa phương, sản xuất một số chế phẩm để điều trị các bệnh nan y và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục truyền thống địa phương, tăng cường năng lực nghiên cứu cho các Trường Đại học, các Viện, Trung tâm nghiên cứu.
Trong lĩnh vực y tế đã nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển giao các kỹ thuật công nghệ, giải pháp phòng và điều trị các bệnh trong y tế cộng đồng như:
- Xây dựng và hoàn chỉnh quy trình tầm soát, điều trị phòng ngừa và tư vấn di truyền cho bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu; chẩn đoán và điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng;
- Đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng sức khỏe lao động nữ ngành may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
- Nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc điều trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng hiệu quả nhất; 
- Xây dựng được kế hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng 2035;
Trong lĩnh vực giáo dục đã triển khai xây dựng phòng tâm lý học đường cho các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Đồng Nai....
Lĩnh vực bảo vệ tài nguyên - môi trường: đã cung cấp các cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, kế hoạch và hoạch định chính sách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và các giải pháp ngăn ngừa, khống chế ô nhiễm, cải thiện và bảo vệ môi trường như:
- ng dụng công nghệ cao trong công nghiệp khai khóang và xử lý môi trường nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khóang sản và bảo vệ môi trường.
- Thẩm định, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thu hồi được năng lượng (phát điện), sản phẩm có ích (phân bón), cũng như giảm diện tích chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất.
- Áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường khử khuẩn các chất thải lây nhiễm trong y tế. Ðầu tư phát triển công nghệ quan trắc môi trường theo hướng tự động, liên tục; chủ động phát hiện, ngãn chặn và xử lý các tình huống gây ô nhiễm.
- Hoàn thiện mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực quan trắc, nắm chắc diễn biến môi trường để có biện pháp xử lý ô nhiễm. Phối hợp với các địa phương trong lưu vực sông Ðồng Nai triển khai thực hiện đề án bảo vệ.
- Nghiên cứu về điều tra môi trường và công nghệ viễn thám và GIS nhằm đưa ra số liệu điều tra về rác thải nhựa và quy hoạch một số vùng trọng điểm cũng như thành lập bản đồ nhiễm mặn một số khu vực tại tỉnh Đồng Nai để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án đã được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn sản xuất.


* Không ngừng đổi mới để phát triển
Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả hơn vào thực tiễn, tạo cơ sở khoa học để tham mưu hoạch định cơ chế, chính sách; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai. Thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm khoa học và công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Cùng với đó quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ. Chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đặc biệt, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong giới trẻ.
Thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch do ngành KH&CN triển khai, nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ; được hướng dẫn công bố, hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến. Nhiều nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung, cầu; các hội nghị, hội thảo khoa học liên ngành, liên vùng; các sự kiện quốc tế lớn.
Hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đến quý 2/2022 toàn tỉnh có 11.218 nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (trong đó có 10.162 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, 748 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 133 đơn đăng ký giải pháp hữu ích và 175 đơn đăng ký sáng chế). Tổng văn bằng bảo hộ được cấp đến nay là 6.420 văn bằng bảo hộ (trong đó có 5.767 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 580 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 41 văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích và 32 văn bằng bảo hộ sáng chế. Ngoài ra trong thời gian qua trên địa tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 02 chỉ dẫn địa lý: bưởi Tân Triều cho sản phẩm bưởi đường lá cam và bưởi ổi; chỉ dẫn địa lý chôm chôm Long Khánh cho sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn.
Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã thực hiện phổ biến rộng rãi hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN); Duy trì, bảo quản và khai thác tốt chuẩn đo lường được công nhận. Phong trào năng suất, chất lượng được triển khai trong phạm vi cả tỉnh, đã tác động tích cực đến nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề năng suất và chất lượng gắn với tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Các hoạt động trên góp phần làm cho chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh được cải thiện rõ rệt và tăng tính cạnh tranh trong giao dịch thương mại. Hiện toàn tỉnh có 32 cơ quan nhà nước áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Tỷ lệ các doanh nghiệp có quy mô từ 100 lao động trở lên áp dụng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm có sự gia tăng về tỷ lệ áp dụng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ trên thị trường (Giai đoạn đến năm 2015: đạt 69,9 %; Giai đoạn đến năm 2020: đạt 84,92%).
KH&CN Đồng Nai tiếp tục được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là một trong những khâu đột phá: “Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Truyền thống lịch sử 45 năm sẽ là hành trang quý để ngành KH&CN Đồng Nai vững bước trên chặng đường mới, đặc biệt là góp phần cùng với cả tỉnh thực hiện cho được mục tiêu xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025.

 ThS. Huỳnh Minh Hậu
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
 

THÔNG BÁO

 
 

Thủ tục hành chính

 
 

Hình ảnh hoạt động

 
Video clip
  • Ứng dụng công nghệ đèn LED trong sản xuất đạt hiệu quả cao
  • Đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan làm việc với Công ty Công nghệ sinh học Vạn Bảo Lộc
  • Đồng Nai là tỉnh đầu tiên được đo hàm lượng vàng
  • Công bố chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh
  • Hội thảo nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
  • Hội nghị cán bộ công chức và triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2015
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 2
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 1
  • Nhiều trạm xăng dầu sử dụng công nghệ cao gắn chíp qua mắt người tiêu dùng và các cơ quan chức năng
  • Ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Okayama (Nhật Bản)

  • Hình ảnh liên kết
    Liên kết website trong tỉnh
    Liên kết website các tỉnh
    Lượt truy cập